Nguy cơ Biển Đông bị xói mòn thượng tôn pháp luật

07/11/2019 08:31 GMT+7

“Việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế trái với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế ... có thể trở thành các tiền lệ nguy hiểm đe dọa hòa bình, an ninh của khu vực và quốc tế”

Sáng 6.11, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội.

Rủi ro các tiền lệ nguy hiểm, đe dọa hòa bình

Ngoài việc khuyến khích việc coi Biển Đông như một vùng biển kết nối các đại dương, nơi gặp gỡ lợi ích giữa các quốc gia, duy trì sự tôn nghiêm của luật pháp quốc tế; hội thảo cũng khuyến khích sự tham gia của giới hoạch định và thực thi chính sách. Đặc biệt, hội thảo còn có một phiên thảo luận về Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS) nhân dịp kỷ niệm 25 năm có hiệu lực và 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định vai trò quan trọng của Biển Đông trong giao thương và hợp tác quốc tế, song cũng cho rằng các nước trong khu vực đã phải đối phó với các thách thức, trong đó có các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra trên biển, kể cả vùng biển của Việt Nam.
“Việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế trái với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế làm giảm lòng tin vào hiệu lực của hệ thống luật pháp quốc tế, xói mòn việc thượng tôn pháp luật và có thể trở thành các tiền lệ nguy hiểm đe dọa hòa bình, an ninh của khu vực và quốc tế”, ông Trung nói và bày tỏ mong muốn hội thảo sẽ đối thoại thẳng thắn để tổng kết các kinh nghiệm hay để nghiên cứu áp dụng, xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình và hợp tác phục vụ lợi ích của cả khu vực và quốc tế.

Đoàn kết ASEAN giúp Biển Đông thoát khỏi phức tạp

Tại phiên kỷ niệm 25 năm UNCLOS có hiệu lực, các đại biểu đã đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 như một thể chế pháp lý toàn diện, cân bằng lợi ích quốc tế với lợi ích quốc gia của tất cả các nước, kể cả các nước không có biển.
Các đại biểu kỳ cựu là nhân chứng lịch sử quá trình đàm phán Công ước, các thẩm phán, cựu thẩm phán Tòa án Quốc tế về luật Biển (ITLOS) đánh giá, sau 25 năm có hiệu lực, Công ước đã tạo nên một khuôn khổ hệ thống pháp lý toàn diện về quản trị biển và xứng đáng được gọi là hiến chương đại dương. Các chuyên gia nhấn mạnh Công ước vẫn phù hợp trong việc quản lý các vấn đề mới nổi trên biển.
Bàn về vai trò của các thể chế đa phương trong củng cố môi trường thượng tôn pháp luật và tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Biển Đông, các đại biểu khẳng định ASEAN có vai trò quan trọng trong kiến trúc khu vực nói chung và kiểm soát, quản lý tranh chấp Biển Đông nói riêng.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh vai trò quan trọng của ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác biển, xây dựng các quy tắc hành xử theo luật pháp quốc tế và xây dựng trật tự thượng tôn pháp luật trên Biển Đông. ASEAN cần tích cực thúc đẩy Trung Quốc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu quả, hiệu lực và toàn diện. Việc đàm phán COC cần minh bạch, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 và không loại trừ quyền lợi của các bên thứ ba.
Các đại biểu cũng cho rằng Đại hội đồng LHQ là nơi phù hợp để giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh thế giới, gồm Biển Đông. Đại hội đồng LHQ có số lượng quốc gia lớn nhất so với các thể chế đa phương khác, do đó có thể thúc đẩy thượng tôn pháp luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, cung cấp nền tảng cho các nước nêu vấn đề Biển Đông và thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp.
155 học giả và đại diện cơ quan nước ngoài tham gia hội thảo
Theo PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, Hội thảo quốc tế về Biển Đông sau 10 năm tổ chức thành công đã được biết đến là một sự kiện học thuật uy tín, là diễn đàn quy tụ các chuyên gia hàng đầu của khu vực và thế giới thảo luận về các vấn đề an ninh biển, luật biển, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển. Hội thảo năm nay có sự tham gia của 280 đại biểu, trong đó có 87 học giả quốc tế, 68 đại diện đến từ 36 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; hơn 100 học giả, đại biểu Việt Nam, cùng nhiều phóng viên đến từ 58 hãng thông tấn, truyền hình trong và ngoài nước.
Ý kiến
Ngày hội thảo đầu tiên đã diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên, trong khi các đại biểu Việt Nam, Malaysia, Philippines thảo luận về việc Trung Quốc xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước trong khu vực, thì đại biểu Trung Quốc lại chỉ đề cập đến cạnh tranh Mỹ - Trung và hoạt động tự do hàng hải.
GS James Kraska (Đại học Hải chiến Mỹ)
Tại hội thảo, rõ ràng là mọi người đều đồng ý rằng những hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông đang khiến tình hình trở nên tồi tệ và các nỗ lực ngoại giao chưa đem đến hiệu quả như mong muốn. Vì thế, tôi nghĩ rằng đã đến lúc các bên khác (ngoài Trung Quốc) cần xem xét liệu có nên theo đuổi các chọn lựa khác như đưa vấn đề tranh chấp trên Biển Đông ra tòa trọng tài quốc tế, hay ít nhất là đặt vấn đề mạnh mẽ hơn tại Liên Hiệp Quốc.
Ông Greg Poling (Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIS, Mỹ)
Ngô Minh Trí (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.