Rác thải chất thành... núi
Tại Long An, Nhà máy xử lý rác (NMXLR) Tâm Sinh Nghĩa (xã Tân Đông, tiếp giáp xã Tân Tây, H.Thạnh Hóa) do Công ty CP đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa làm chủ đầu tư, chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013 với công suất 250 tấn/ngày. Trong quá trình hoạt động, lấy lý do lượng rác thu gom “tháng sau cao hơn tháng trước” nên nhà máy hiện tồn đọng khoảng 30.000 tấn rác lộ thiên bên ngoài, phát sinh mùi hôi và ruồi, gây bức xúc cho người dân quanh vùng.
|
Cũng tại Long An, tình trạng rác thải tồn đọng gây ô nhiễm môi trường ở huyện biên giới Tân Hưng cũng tới mức đáng báo động, mặc dù UBND huyện đã quy hoạch khu xử lý rác thải tập trung rộng gần 5 ha tại xã Hưng Thạnh và đầu tư 8 tỉ đồng lắp đặt lò đốt công suất khoảng 600 kg/giờ để xử lý rác cho các cụm, tuyến dân cư vượt lũ của huyện. Tuy nhiên, lò đốt mới đưa vào hoạt động từ tháng 3.2019 thì chỉ vài tháng sau, công suất đã giảm xuống chỉ còn 300 kg/giờ. Trong khi đó, lượng rác thu gom bình quân hiện 25 - 30 tấn/ngày nên số tồn đọng rất lớn, mùi hôi thối lan rộng, thậm chí nguy cơ rác tồn đọng chất cao thành... núi.
Ông Võ Minh Thành, Giám đốc Sở TN-MT Long An, cho biết để khắc phục tình trạng rác thải ùn ứ kéo dài gây ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương cho Công ty Tâm Sinh Nghĩa được chuyển đổi công nghệ xử lý rác phát điện và nâng công suất xử lý lên 500 tấn/ngày, dự kiến sẽ đưa NMXLR bằng công nghệ phát điện vào hoạt động trong năm 2021. Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ đôn đốc NMXLR H.Thủ Thừa (xã Tân Thành) sớm hoàn thành đi vào hoạt động để “giảm tải” cho Tâm Sinh Nghĩa. “Sở sẽ phối hợp cùng UBND H.Thạnh Hóa tăng cường kiểm tra và quan trắc về nước thải, khí thải của nhà máy và kiên quyết xử lý nếu còn vi phạm; đồng thời giám sát chặt chẽ việc thay đổi công nghệ, nâng công suất của nhà máy rác. Nếu công ty trì hoãn hoặc chậm triển khai, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư và kêu gọi nhà đầu tư khác”, ông Thành nói.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, thời điểm hiện tại, lượng rác tồn đọng “khủng” ở Long An vẫn chưa có phương án giải quyết triệt để nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường.
Nhà máy xử lý rác chỉ... chứa rác
Năm 2012, tỉnh Cà Mau chính thức đưa NMXLR TP.Cà Mau vào hoạt động. Nhà máy do Công ty TNHH xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý làm chủ đầu tư, công suất 200 tấn rác/ngày đêm, tổng vốn đầu tư 329 tỉ đồng, sử dụng công nghệ VIBIO (công nghệ chế biến rác hữu cơ thành phân compost). Dù có đến 9/11 thành viên trong hội đồng thẩm định không đồng ý với công nghệ này do chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ và đơn vị tư vấn chuyển giao công nghệ chưa chứng minh quyền chủ sở hữu và quyền chuyển giao công nghệ theo quy định, nhưng chủ đầu tư vẫn chọn và lắp đặt.
Do sử dụng công nghệ không phù hợp nên từ khi đi vào hoạt động, NMXLR TP.Cà Mau liên tục xin bảo trì, mỗi lần bảo trì kéo dài nhiều tháng khiến lượng rác tồn đọng rất lớn, bãi rác tạm tại các huyện bị quá tải. Cụ thể, năm 2014, NMXLR TP.Cà Mau xin bảo trì lần đầu và được tỉnh tạm giao 2,5 ha đất để làm bãi chứa. Năm 2016, nhà máy tiếp tục xin bảo trì, hàng ngàn tấn rác tồn ứ tại trung tâm TP.Cà Mau đến nay chưa xử lý xong. Đến năm 2018, nhà máy lại xin bảo trì và được tỉnh cho phép đưa rác vào chứa ở các bãi rác tạm tại các địa phương; trong đó nhiều bãi rác tạm không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật để tiếp nhận rác, thậm chí 2 bãi rác tạm ở các huyện Phú Tân và Trần Văn Thời phạm vào phần đất rừng phòng hộ Biển Tây.
Mặc dù chủ trương ban đầu là đưa rác vào các bãi tạm chôn lấp chờ chuyển về NMXLR TP.Cà Mau xử lý, thế nhưng từ khi nhà máy hoạt động trở lại đến nay đã gần 8 tháng, số rác trên vẫn còn nằm ở các bãi rác tạm, chưa chuyển đi hết. Theo ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Cà Mau, sau đợt bảo trì gần đây, NMXLR TP.Cà Mau chỉ chứa rác chứ không xử lý rác.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh Cà Mau đang kêu gọi đầu tư NMXLR ở Khu công nghiệp Khánh An (xã Khánh An, H.U Minh); đồng thời đã cấp phép đầu tư cho chủ đầu tư xây dựng NMXLR ở H.Cái Nước. “Khi nhà máy mới đi vào hoạt động, nhà máy hiện tại sẽ giảm áp lực, đề phòng rủi ro máy móc hư hỏng bất ngờ mà không còn nhà máy khác xử lý”, ông Thánh kỳ vọng.
Chôn lấp gây ô nhiễm
Bãi rác Hòa Phú (ấp Phú Hưng, xã Hòa Phú, H.Long Hồ) là bãi rác chính của tỉnh Vĩnh Long, có diện tích hơn 17,6 ha, gồm 2 bãi chôn lấp.
Năm 2013, Công ty CP xây dựng Phương Thảo đưa NMXLR Phương Thảo (nằm trong khu bãi rác Hòa Phú) vào hoạt động, với vốn đầu tư trên 200 tỉ đồng, công suất xử lý 200 - 300 tấn rác/ngày theo công nghệ châu Âu. Tuy nhiên, nhà máy chỉ cầm cự được khoảng nửa năm rồi đóng cửa. Đến tháng 9.2016, nhà máy tái hoạt động và chuyển sang phương án đốt, nhưng cũng chỉ cầm cự được một thời gian rồi “trùm mền” với lý do tiền thu từ xử lý rác không đủ chi phí vận hành. Theo đó, tỉnh Vĩnh Long đã thu hồi giấy phép đầu tư đối với dự án này. Trong khi chính quyền địa phương tính toán phương án mới, thì có đến khoảng 70.000 tấn rác thải mỗi năm của tỉnh Vĩnh Long được xử lý theo hình thức chôn lấp tại bãi rác cạnh nhà máy.
“Đảo ngọc” cũng khốn khổ vì rácPhú Quốc (Kiên Giang) được xem là “đảo ngọc”, là “thiên đường du lịch và nghỉ dưỡng”. Sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch, dịch vụ cộng với tốc độ gia tăng dân số cơ học cao đã kéo theo hệ lụy là lượng rác thải tăng đột biến ở nhiều nơi.
Kể từ tháng 7.2019, H.Phú Quốc quyết định chọn ngày thứ bảy tuần đầu tiên của mỗi tháng làm “Ngày vì môi trường Phú Quốc” nhằm giảm thiểu rác thải xả ra môi trường, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND H.Phú Quốc, hiện lượng rác thải thu gom mỗi ngày lên đến khoảng 180 tấn, tăng 30 tấn so với 3 tháng trước đó.
Trong khi NMXLR duy nhất trên đảo (đặt ở ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh) lại không hoạt động được do rác đưa vào đây chưa được phân loại nên rác cứng như kim loại, thủy tinh... làm hỏng hệ thống xử lý. Hiện tại 2 bãi rác tạm ở xã Cửa Dương và TT.An Thới đều đã quá tải nên huyện vừa khảo sát lập thêm 1 bãi rác tạm nữa ở xã Cửa Dương (cách bãi rác cũ chừng 3 km). Nhưng với lượng rác thải ngày càng tăng như hiện nay thì bãi rác tạm này cũng sẽ nhanh chóng bị quá tải.
|
Ông Lê Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, cho biết đến nay 2 bãi chôn lấp số 1 và 2 đã quá tải, hết khả năng tiếp nhận rác, nên tỉnh đã có chủ trương xây dựng bãi chôn lấp số 3. Hiện người dân đã bàn giao mặt bằng để xây dựng bãi chôn lấp số 3, cũng ngay cạnh bãi rác Hòa Phú. “Trong các cuộc họp dân để đánh giá tác động môi trường, bà con yêu cầu ngành chức năng cần nhanh chóng tìm giải pháp khác để xử lý rác, chứ cứ xử lý theo kiểu chôn lấp thì vừa gây ô nhiễm môi trường vừa lãng phí đất đai. Nếu sau này tỉnh có muốn mở rộng bãi rác nữa thì bà con sẽ không đồng thuận”, ông Liêm cho biết thêm.
Trong khi đó, tại tỉnh Đồng Tháp, theo Sở KH-ĐT, ở khu vực phía nam sông Tiền của tỉnh này hiện có 4 bãi rác: Phú Hựu (H.Châu Thành), Lấp Vò (H.Lấp Vò), Sa Đéc (TP.Sa Đéc) và Hòa Thành (H.Lai Vung), tất cả đều trong tình trạng quá tải do mỗi ngày phải tiếp nhận hơn 100 tấn rác cộng với hàng trăm ngàn tấn rác còn tồn đọng từ nhiều năm trước. (còn tiếp)
Bình luận (0)