Bệnh đau mắt đỏ gia tăng sau tết
Cùng ngày, lãnh đạo Bệnh viện Mắt TP.HCM cũng thông tin, từ đầu tháng 1.2025 đến nay, bệnh viện tiếp nhận khám 11.206 ca bệnh đau mắt đỏ, có những tuần tiếp nhận từ 1.700 - 2.000 ca. Số lượng này tương đương cùng kỳ năm 2024 (11.264 ca).

Khám bệnh đau mắt đỏ tại Bệnh viện TP.Thủ Đức
ẢNH: HỒNG NHƯ
"Trong giai đoạn từ cuối tháng 12 đến giữa tháng 2, tình hình bệnh đau mắt đỏ có những diễn biến phức tạp, với xu hướng gia tăng số ca mắc trong tháng 1, đặc biệt cao vào những tuần giữa tháng. Đây là thời điểm cận Tết Nguyên đán 2025, các hoạt động giao lưu, mua sắm, di chuyển nhiều có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ lây lan bệnh. Sự gia tăng mạnh mẽ các ca bệnh trong tháng 1 là dấu hiệu đáng chú ý, cho thấy nguy cơ bùng phát dịch cục bộ tại một số khu vực", bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Nguyên Huân, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, báo cáo và nhận định.
Cũng theo bác sĩ Huân, năm 2024, đỉnh dịch rơi vào tháng 1 và giảm nhanh sau tết. Năm 2025, số ca tháng 1 giảm nhẹ nhưng tháng 2 lại tăng vọt, đặc biệt sau tết. "Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch muộn hơn so với năm 2024", lãnh đạo Bệnh viện Mắt TP.HCM cảnh báo.
Tuần qua, số ca đau mắt đỏ có dấu hiệu giảm, nhưng đây có thể chỉ là giai đoạn tạm lắng, nguy cơ dịch đau mắt đỏ có khả năng bùng phát và kéo dài nếu không có biện pháp kiểm soát tốt. Đây cũng là thời điểm người dân trở lại làm việc, học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ tết, tần suất tiếp xúc cao hơn, nguy cơ lây lan trong cộng đồng là rất lớn…
Những nguyên nhân gây bệnh
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Huy, Bệnh viện TP.Thủ Đức, bệnh đau mắt đỏ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là do vi rút, vi khuẩn và phản ứng dị ứng.
Đối với đau mắt đỏ vi rút, quá trình bệnh diễn ra khi vi rút xâm nhập và phá hủy tế bào, kèm theo phản ứng viêm của hệ miễn dịch. Còn đau mắt đỏ vi khuẩn thường xuất hiện khi vi khuẩn thâm nhập qua các vết trầy xước nhỏ hoặc khi hệ thống bảo vệ của mắt suy yếu, biểu hiện đặc trưng là ghèn sệt màu xanh hoặc vàng.
Đáng chú ý, vào thời điểm giao mùa đông xuân, số ca đau mắt đỏ dị ứng thường tăng đột biến. Nguyên nhân do không khí chứa nhiều phấn hoa, cộng với thời tiết lạnh và ít gió khiến bụi mịn và các tác nhân gây dị ứng lắng đọng nhiều hơn. Điều này làm gia tăng nguy cơ viêm kết mạc dị ứng ở người có cơ địa mẫn cảm.
Biến chứng do lạm dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid
Về thời gian điều trị, theo bác sĩ Nguyễn Quang Huy, mỗi loại đau mắt đỏ có diễn tiến khác nhau. Đau mắt đỏ vi rút thường tự khỏi sau 7 - 10 ngày, trong khi đau mắt đỏ dị ứng có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, tùy từng cá nhân và sự tiếp xúc với dị nguyên. Riêng với đau mắt đỏ vi khuẩn, thời gian điều trị phụ thuộc vào đáp ứng với kháng sinh.
Bác sĩ Huy khuyến cáo: Bệnh viện đã ghi nhận nhiều trường hợp biến chứng tăng nhãn áp thứ phát do lạm dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid vì tính chất dễ chịu và giảm nhanh các triệu chứng khó chịu mà corticoid mang lại. Nếu tình trạng này kéo dài, nhãn áp tăng một cách âm thầm và có thể dẫn đến glaucoma, nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn có thể xảy ra.
Phòng bệnh
Để phòng ngừa hiệu quả, bác sĩ Quang Huy khuyến cáo người dân nên đeo kính bảo hộ khi ra đường, tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng và giữ vệ sinh nơi ở sạch sẽ, đặc biệt là gấu bông, chăn mền, giường gối…, và chú ý vệ sinh mắt. Đặc biệt, khi có các triệu chứng như đỏ mắt, đau mắt, chảy nước mắt, cộm xốn, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị phù hợp. Việc này nhằm tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra do tự điều trị hoặc tự chẩn đoán vì có nhiều bệnh nặng của mắt có những triệu chứng tương tự nhau.
Cũng theo bác sĩ Huy, đối với trẻ em, do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên có thể mắc bệnh nhiều lần hơn so với người lớn. Do đó, việc tiếp xúc và tạo ra kháng thể để luyện tập cho hệ miễn dịch là một trong những bước cần thiết cho sự phát triển của hệ miễn dịch ngày một hoàn thiện. Phụ huynh cần đặc biệt quan tâm và theo dõi kỹ khi trẻ có các dấu hiệu bất thường ở mắt.
Theo bác sĩ Phạm Nguyên Huân, các cơ quan, trường học cần chủ động theo dõi sức khỏe tập thể, nhanh chóng phát hiện ca nghi ngờ để có biện pháp cách ly và xử lý kịp thời. Việc duy trì cảnh giác và đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế nguy cơ dịch bùng phát trở lại.
Bình luận (0)