Nguy cơ đàm phán Mỹ - Trung gặp khó sau vụ Huawei

08/12/2018 10:00 GMT+7

Giới phân tích dự đoán Mỹ có thể dùng vụ bắt giữ Phó chủ tịch Huawei để gây sức ép với Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại song phương sắp tới.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm qua khẳng định giới chức tư pháp nước này tự đưa ra quyết định bắt giữ Giám đốc tài chính toàn cầu kiêm Phó chủ tịch Tập đoàn công nghệ Huawei Mạnh Vãn Chu. Bà Mạnh (46 tuổi) bị bắt tại thành phố Vancouver hôm 1.12 khi đang quá cảnh. Trước đó, phía Canada cho hay vụ bắt giữ được tiến hành theo yêu cầu của chính quyền Mỹ và Washington muốn dẫn độ bà Mạnh.
[VIDEO] Mỹ muốn truy tố CFO Huawei Mạnh Vãn Chu về tội gian lận
Một số nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters rằng vụ bắt giữ bà Mạnh nằm trong cuộc điều tra của Washington về cáo buộc Huawei dùng hệ thống ngân hàng toàn cầu để tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Về phía Mỹ, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cho hay ông đã được thông báo trước về việc sẽ bắt giữ bà Mạnh, nhưng không rõ liệu Tổng thống Donald Trump có được báo cáo hay không. Hai quan chức Mỹ khẳng định với Reuters Tổng thống Trump không biết trước kế hoạch bắt bà Mạnh. Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Canada và Mỹ không cung cấp bất kỳ bằng chứng cho thấy bà Mạnh vi phạm luật pháp của hai nước này và lặp lại yêu cầu thả người của Bắc Kinh.
Bà Mạnh bị bắt ngay trong ngày Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm tại Argentina. Hai bên đã nhất trí “đình chiến” 90 ngày bằng cách không đánh thuế lên thêm hàng hóa của nhau, cố gắng giải quyết bất đồng và đạt thỏa thuận. Ông Bolton nhấn mạnh những công ty công nghệ toàn cầu của Trung Quốc như Huawei sẽ là “chủ đề lớn” được thảo luận trong các cuộc đàm phán thương mại song phương. Chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung Lưu Vệ Đông thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng vụ bắt giữ bà Mạnh là hành động có tính toán của Washington nhằm nâng vị thế trong cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh. “Chúng ta sẽ thấy thêm nhiều vụ tương tự trong 3 tháng tới, trừng phạt các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và các cá nhân, nhằm tạo thế trên cơ cho phía Mỹ”, ông Lưu nhận định với tờ South China Morning Post (SCMP).
Cùng quan điểm trên, ông Vương Hằng, Giáo sư luật doanh nghiệp Trung Quốc tại Đại học New South Wales (Úc), cho rằng Mỹ có thể dùng vụ bắt giữ bà Mạnh để gây sức ép lên Trung Quốc trong quá trình đàm phán thương mại. Giáo sư Eric Harwit tại Đại học Hawaii (Mỹ) thì nhận định vụ bắt giữ lãnh đạo Huawei không chỉ liên quan đến các lệnh trừng phạt mà còn cho thấy bối cảnh chung về sự lo ngại của Washington rằng các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ thành đối thủ của doanh nghiệp Mỹ trong tương lai.
Trong khi đó, giám đốc điều hành một công ty của Mỹ cho rằng vụ bà Mạnh bị bắt không nằm trong chiến thuật của Tổng thống Trump. “Tuy nhiên, tôi nghĩ sự bất đồng và đối đầu sẽ là chủ đề chính của hai quốc gia trong thời gian dài”, vị giám đốc không nêu tên nói với SCMP.
Vào ngày 7.12 (giờ Canada), bà Mạnh sẽ dự phiên tòa bảo lãnh. Để được tại ngoại, bà có thể phải nộp số tiền lên tới hàng triệu USD, theo luật sư Gary Botting ở Vancouver. Một số luật sư khác cho rằng sau khi được tại ngoại, bà Mạnh có thể bị gắn thiết bị theo dõi điện tử trong lúc chờ quyết định dẫn độ đến Mỹ.
Chính phủ Nhật nói không với thiết bị Huawei
Tờ Yomiuri Shimbun hôm qua dẫn các nguồn tin tiết lộ chính phủ Nhật Bản dự kiến sửa đổi quy định mua sắm nội bộ vào ngày 10.12 theo hướng cấm các cơ quan mua sản phẩm từ hai tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc là Huawei và ZTE. Ngoài ra, sản phẩm nội địa của Nhật dùng linh kiện của Huawei và ZTE cũng sẽ không được các cơ quan chính phủ nước này sử dụng. Theo các nguồn tin, lệnh cấm được đưa ra sau khi Mỹ kêu gọi các đồng minh tránh dùng sản phẩm của Huawei và ZTE vì lo ngại chúng chứa vi rút liên quan các cuộc tấn công mạng. Tuy vậy, chính phủ Nhật dự kiến không trực tiếp nêu tên Huawei và ZTE để tránh phản ứng từ Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.