Tại hội thảo “Nguy cơ động đất ở Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội hôm qua 12.3, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho rằng: Việt Nam được biết đến như một đất nước có mối hiểm họa động đất cao. Trong lịch sử đã ghi nhận những trận động đất mạnh 6,7 - 6,8 độ Richter tại khu vực Tây Bắc, trong khi ở ngoài khơi, trên thềm lục địa đông nam đất nước cũng đã xuất hiện động đất mạnh 6,1 độ Richter. Vùng phía Nam cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng của động đất.
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương khẳng định: “Một số đô thị lớn của Việt Nam hiện đang nằm trong khu vực nhạy cảm cao trước những rung động địa chấn. Hà Nội hiện đang nằm trong vùng được dự báo là phải chịu chấn động cấp 8. Ở TP.HCM, rủi ro địa chấn lớn nhất có thể phát sinh từ sự lan truyền chấn động địa chấn từ các trận động đất mạnh ở phạm vi khu vực và sự khuếch đại rung động nền do tác động hiệu ứng nền địa phương gây ra dưới tải trọng của động đất. Nền đất yếu tại khu vực TP.HCM có thể là một yếu tố góp phần không nhỏ vào sự khuyết đại rung động địa chấn do các trận động đất gây ra ở cả phạm vi khu vực và địa phương”.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, có một sự thật hiện hữu là nếu động đất xảy ra, các đô thị, nhất là Hà Nội và TP.HCM, những nơi tập trung mật độ dân cư cao và là trung tâm của các hoạt động xã hội sẽ gánh chịu tổn thất nặng nề nhất. Các kết quả tính toán cho thấy, Hà Nội sẽ chịu hậu quả nặng nề hơn TP.HCM. Trước đây, dư chấn động đất tại Điện Biên, Tuần Giáo... đã làm nhà ở Hà Nội bị nứt, vẹo tường. Trong khi đó, từ trước đến nay, chúng ta chưa ghi nhận trận động đất nào xảy ra ở TP.HCM nhưng lan truyền chấn động từ các trận động đất xảy ra ngoài khơi Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2007 đã khiến các tòa nhà cao tầng tại TP.HCM bị rung chuyển, khiến người dân hoảng sợ.
“Chúng tôi đã tiến hành đánh giá rủi ro và ước lượng thiệt hại về người và nhà cửa do động đất xảy ra đối với Q.1 và Q.3 của TP.HCM; các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng của Hà Nội. Kết quả cho thấy, nguy cơ tổn thất tập trung tại những khu nhà chung cư cũ, bệnh viện, trường học, công trình xây dựng trên nền đất yếu từ những năm 60 - 70 của thế kỷ XX” - ông Phương cho biết.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thủy - Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), sau khi đánh giá khả năng phát sinh động đất mạnh cho từng đới có tính tới khoảng cách chấn tâm, các nhà khoa học đã thành lập bản đồ phân vùng động đất Việt Nam theo thang cấp động đất quốc tế MSK. Theo đó, vùng phát sinh động đất cấp 8 - cấp 9 gồm các vùng Sông Mã, Sơn La và PuMây Tun - Sốp Cộp gắn liền với các hệ đứt gãy cùng tên (thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Sơn La, Lai Châu). Vùng động đất cấp 8 gồm 2 loại vùng. Các vùng phát sinh động đất cấp 8 và các vùng chấn động cấp 8 bị gây ra bởi động đất mạnh hơn ở bên cạnh. Thuộc loại thứ nhất là các vùng Lai Châu - Điện Biên, Sông Hồng, Sông Chảy, Sông Cả - Rào Nậy và tây biển Đông (từ vĩ tuyến 13 đến vĩ tuyến 19). |
Yên tâm chung cư mới, lo chung cư cũ TS Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) khi trả lời PV Báo Thanh Niên chiều qua khẳng định: “Có thể hoàn toàn yên tâm về khả năng kháng chấn của các công trình nhà cao tầng, công trình công cộng ở VN” vì theo tiêu chuẩn xây dựng VN, nó đều đã được thiết kế với khả năng kháng chấn ở cấp cao nhất theo bản đồ động đất. T.N - X.T |
Tuyết Nhung - Quang Duẩn
Bình luận (0)