Nguy cơ gia tăng người Việt Nam thành nô lệ hiện đại tại châu Âu

29/11/2021 16:10 GMT+7

Tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 có thể dẫn đến các nguy cơ người lao động đi tìm những “miền đất hứa” và trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người .

Một buổi tập huấn nâng cao nhận thức và trách nhiệm phòng chống mua bán người của dự án TMSV

tổ chức di cư quốc tế

Ngày 29.11, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) - Cơ quan Di cư Liên Hợp quốc phối hợp với Văn phòng Bộ Công an tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV).

TMSV được tài trợ bởi Bộ Nội vụ Vương quốc Anh, là sự hợp tác giữa các tổ chức quốc tế và các cơ quan Chính phủ Việt Nam với mục tiêu giảm thiểu tính dễ bị tổn thương đối với nô lệ hiện đại, trong đó bao gồm mua bán người, thông qua truyền thông thay đổi hành vi, tăng cường tiếp cận pháp lý và hỗ trợ phục hồi và tái hòa nhập cho nạn nhân.

Tại hội nghị, đại diện Tổ chức IOM cho biết số lượng người Việt Nam có nguy cơ thành nạn nhân của tình trạng nô lệ thời hiện đại với số lượng cao thứ 3 tại Anh, với gần 800 người trong giai đoạn 2009 - 2020. Phần lớn họ đến từ các tỉnh phía Bắc và duyên hải Bắc Trung bộ.

Chính vì thế, từ cuối năm 2019, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Anh đã ký bản ghi nhớ về hợp tác phòng, chống mua bán người. Ngay sau đó, dự án TMSV được triển khai tại 5 tỉnh, thành phố, gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, và Quảng Bình.

Trong 3 năm qua, dự án đã giúp hơn 8.0000 người được nâng cao nhận thức về mua bán người và nô lệ thời hiện đại; tập huấn cho hơn 1.400 cán bộ và hỗ trợ hơn 300 nạn nhân hoặc người có nguy cơ bị mua bán.

Dù dự án đã đạt được những kết quả nhất định, song bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam, cho rằng đại dịch Covid-19 có khả năng làm gia tăng nạn mua bán người. “Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã làm trầm trọng hơn nạn đói nghèo và tình trạng dễ bị tổn thương của những nhóm yếu thế trong xã hội. Với điều kiện kinh tế ngày một sa sút, họ dễ dàng trở thành nạn nhân của bóc lột lao động, bóc lột tình dục”, bà Park Mihyung nói.

Trao đổi thêm với Thanh Niên về vấn đề này, đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết tình trạng xuất cảnh, lao động bất hợp pháp có thể gia tăng trong thời gian tới vì dịch Covid-19, khi nhiều người lao động mất việc làm, “thất vọng với tình hình kinh tế cũng như bản thân và nghĩ rằng có thể đổi đời tại những vùng đất mới ở châu Âu”.

Dù việc đi lại gặp khó khăn do bị phong tỏa nhưng những người muốn xuất cảnh trái phép có thể lợi dụng việc thăm thân rồi ở lại hoặc đi theo đường tiểu ngạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.