Hôm qua (21.10), trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu WTI lẫn Brent có lúc tăng xấp xỉ 2%, lần lượt cán mức 70,1 và 74,5 USD/thùng, gây nhiều lo lắng cho kinh tế châu Á. Giá dầu như vậy được cho là do tác động từ tình hình chiến sự Trung Đông.
"Lằn ranh đỏ" bị vượt qua
Cũng vào hôm qua, tờ The Guardian đưa tin Israel vừa thực hiện một loạt cuộc không kích vào các vùng ngoại ô phía nam thủ đô Beirut và một số khu vực tại Li Băng vào sáng sớm cùng ngày (theo giờ địa phương). Trong đó, các vụ tấn công đã đánh trúng các địa điểm thuộc tổ chức tài chính Qard al-Hassan do lực lượng Hezbollah điều hành.
Được thành lập vào năm 1983, Qard al-Hassan là tổ chức tài chính phi lợi nhuận nhưng thực tế dần trở thành "ngân hàng" để điều phối tài chính cho Hezbollah. Thông qua Qard al-Hassan, các nguồn tiền tài trợ cho Hezbollah được chuyển đi để mua vũ khí và hỗ trợ các hoạt động khác. Chính vì thế, động thái tấn công của Israel vào tổ chức này nhằm phá hủy hệ thống tài chính của Hezbollah. Ngay sau các vụ tấn công trên của Tel Aviv, Hezbollah cũng tuyên bố đã phóng tên lửa vào lực lượng Israel ở miền nam Li Băng.
Đó là những căng thẳng mới nhất trong cuộc xung đột giữa hai bên. Cuối tuần qua, máy bay không người lái (UAV) từ Li Băng đã tấn công nhà riêng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Vụ tấn công không gây hậu quả đáng kể, đồng thời xảy ra khi ông Netanyahu cùng thân nhân đang ở nơi khác. Israel đã cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công, nhưng Tehran khẳng định không liên quan và cho rằng do Hezbollah tiến hành.
Nhận xét về vụ tấn công, chuyên gia tình báo quốc phòng Mỹ Carl O.Schuster khi trả lời Thanh Niên cho rằng: "Israel sẽ không thay đổi chiến lược tấn công và các hoạt động điều hành. Có lẽ, Thủ tướng Netanyahu tin rằng chiến lược của ông chống lại Hezbollah đang hoạt động hiệu quả".
Thực tế, vụ tấn công nhằm vào nhà riêng của Thủ tướng Netanyahu có thể xem là động thái vượt "lằn ranh đỏ" đối với Israel khi đối phương tấn công trực tiếp lãnh đạo nước này. Điều đó khiến cho Israel có thể trả đũa mạnh mẽ hơn, nhất là khi Thủ tướng Netanyahu đánh giá các hành động tấn công của Tel Aviv đang đi đúng hướng.
Không những vậy, cũng trong tuần qua, nội dung được cho là báo cáo của tình báo Mỹ, về kịch bản Israel trả đũa Iran, đã bị rò rỉ trên mạng xã hội. Diễn biến này một mặt có thể gây mất niềm tin của Israel đối với Mỹ về khả năng bảo mật, đồng thời cho thấy khả năng Tel Aviv tấn công Tehran trở nên rõ ràng hơn.
Lo ngại cho châu Á
Theo tờ South China Morning Post, nguy cơ vừa nêu khiến cho eo biển Hormuz bị đe dọa. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 14 triệu thùng dầu được vận chuyển qua eo biển Hormuz, trong đó có lượng đáng kể cung cấp cho 2 nền kinh tế hàng đầu châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ. Không những vậy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan cũng phụ thuộc vào nguồn năng lượng được vận chuyển qua eo biển Hormuz. Tháng 8 vừa qua, Iran đã tăng sản lượng khai thác thêm 227.000 thùng dầu/ngày so với cùng kỳ năm 2023, đạt mức 3,27 triệu thùng dầu/ngày.
Chính vì thế, nếu Israel tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran thì lượng dầu thô qua eo biển Hormuz sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nguồn cung từ Tehran bị giảm. Không những vậy, tình hình còn có thể đe dọa an ninh khu vực dẫn đến lượng dầu thô các nước khác chuyển qua đây cũng giảm, chứ không chỉ riêng gì nguồn từ Iran.
Cứ thế, rủi ro hiện hữu là giá dầu tăng dẫn đến lạm phát các nước tăng. Trong khi đó, Mỹ cùng Trung Quốc và một số nước chỉ mới nới lỏng lãi suất chính sách để kích thích nền kinh tế vì lạm phát có dấu hiệu dần được kiểm soát. Vì thế, nếu lạm phát tăng trở lại thì xu thế nới lỏng lãi suất chính sách có thể bị đảo ngược, giữa bối cảnh kinh tế khu vực vẫn chưa giải quyết được các khó khăn hiện hữu.
Không chỉ eo biển Hormuz, nếu xung đột leo thang hơn nữa thì đe dọa an toàn của cả hành lang hàng hải Á - Âu qua vùng biển Ả Rập. Khi đó, tuyến hàng hải vận chuyển hàng hóa này có thể bị ách tắc, dẫn đến tái diễn tình trạng giá vận chuyển leo thang như cuối năm ngoái đến đầu năm nay khi lực lượng Houthi ở Yemen liên tục tập kích tàu thuyền ở Biển Đỏ. Như thế, nền kinh tế châu Á, vốn lệ thuộc vào tuyến hàng hải này để xuất khẩu, có thể hứng chịu khó khăn kép.
Hôm qua (21.10), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khởi hành đến Trung Đông nhằm thúc đẩy khởi động các cuộc đàm phán ngừng bắn để chấm dứt chiến tranh Gaza sau cái chết của Lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar.
Đây là chuyến đi thứ 11 của Ngoại trưởng Blinken đến khu vực này kể từ khi lực lượng Hamas tấn công Israel vào ngày 7.10.2023, dẫn đến bùng nổ xung đột ở khu vực.
Bình luận (0)