Một cuộc xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên không chỉ gây thiệt hại cho các bên liên quan, mà còn tác động đến nhiều nước, trong đó VN thuộc nhóm có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Những diễn biến căng thẳng gần đây trên bán đảo Triều Tiên đặt ra khả năng về một cuộc xung đột vũ trang có thể gây ra nhiều hậu họa nghiêm trọng về kinh tế cho khu vực châu Á, theo cảnh báo của Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's và Ngân hàng Thế giới (WB).
Trong báo cáo ngày 4.10, WB dự báo mức tăng trưởng kinh tế cho khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trong năm 2017 là 6,4%. Tuy nhiên, đi kèm với đó là lời cảnh báo bất thường của tổ chức tài chính quốc tế này về những nguy cơ đi kèm. Cụ thể, WB cho rằng một số cường quốc đang hối thúc tiến hành các biện pháp cứng rắn hơn nhằm ngăn chặn CHDCND Triều Tiên phát triển khả năng hạt nhân, bao gồm cả hành động quân sự. Tiêu biểu nhất là Mỹ, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thời gian qua liên tục lặp lại câu nói rằng "mọi lựa chọn đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên đều được cân nhắc". Mới đây, Tổng thống Trump có màn công kích cá nhân với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và coi nỗ lực đàm phán với Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Rex Tillerson là "phí thời gian".
Từ đó, WB cảnh báo rằng việc leo thang những mâu thuẫn này có thể để lại những hậu quả kinh tế nghiêm trọng, đặc biệt là đối với khu vực có vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng sản xuất và vận chuyển toàn cầu như Đông Á - Thái Bình Dương. "Mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, xếp đầu tiên trong danh sách những nguy cơ địa chính trị, có thể leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang và từ đó ngăn cản dòng chảy thương mại và hoạt động kinh tế trong khu vực", tờ Nikkei Asian Review trích báo cáo của WB.
Hậu quả đầu tiên chính là chi phí bảo hiểm cho vận chuyển hàng bằng tàu biển đến và đi khỏi khu vực tăng cao, giá cả hàng hóa thế giới cũng bị đội lên. Kinh tế gia trưởng phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương của WB Sudhir Shetty nhận định căng thẳng gia tăng sẽ đặt ra những tác động tiềm tàng đến khả năng tìm kiếm và tiếp cận đến thể chế tài chính bên ngoài của các nền kinh tế trong khu vực. Ngoài ra, viễn cảnh xung đột cũng sẽ gây tâm lý lo ngại và khiến các nhà đầu tư tháo chạy, dẫn đến việc dòng vốn chảy ra khỏi khu vực, tỷ giá hối đoái biến động và lãi suất toàn cầu gia tăng.
Thiệt hại đối với VN
Nếu căng thẳng gia tăng thành xung đột quân sự, không chỉ Mỹ và Triều Tiên là những nước chịu thiệt hại, mà những nước như VN và Nhật Bản cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất về xếp hạng tín nhiệm, theo cảnh báo của Moody's. Chuyên gia Martin Petch của hãng này phân tích rằng Hàn Quốc chắc chắn là nạn nhân của cuộc xung đột nhưng kéo theo đó sẽ là VN, vì VN có nhiều cơ sở lắp ráp, sản xuất của các công ty Hàn Quốc như Samsung, LG. Một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên sẽ làm ảnh hưởng đến chuỗi cung cấp hàng hóa trung gian cho VN, từ đó việc xuất khẩu đến Hàn Quốc cũng sẽ bị gián đoạn.
Triều Tiên được cho là đang sở hữu 25 vũ khí hạt nhân và đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch với đương lượng nổ ước tính lên tới 250 kiloton.
Theo Nikkei Asian Review, khoảng 20% lượng hàng hóa trung gian mà VN nhập là từ Hàn Quốc. Ở chiều ngược lại, lượng hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc đóng góp hơn 5% tổng sản phẩm quốc nội. "VN là nước thiệt hại lớn nhất nếu bất kỳ sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu nào xảy ra do việc ngưng hoặc suy giảm sản xuất tại Hàn Quốc", ông Petch cảnh báo. Cuối cùng, chuyên gia của Moody's dự đoán rằng giới hoạch định chính sách của VN nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc vạch ra và áp dụng những biện pháp đối phó hiệu quả nhất đối với viễn cảnh xung đột tại Triều Tiên.
Bình luận (0)