Từ năm 1994, vấn đề chủ quyền quốc gia trên “không gian mạng” bắt đầu được chú ý. Sự phát triển của công nghệ và Internet làm dấy lên hàng loạt vấn đề như an toàn thông tin, an ninh mạng, do thám mạng, nguy cơ chiến tranh mạng giữa các quốc gia... Những vấn đề này đặt ra yêu cầu về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, gọi tắt là “chủ quyền không gian mạng”.
“Chủ quyền quốc gia” được nhắc tới trong không gian mạng vì liên quan đến các cơ sở hạ tầng thiết yếu giúp hình thành không gian mạng. Chủ quyền trên đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời là chủ quyền trên không gian vật lý, còn “chủ quyền trên không gian mạng”, tức trên không gian ảo do con người tạo ra, được coi là sự nối dài của “chủ quyền lãnh thổ”.
Nói đến văn hóa và tư tưởng, là nói đến những giá trị và tập quán. Nếu “giá trị” là niềm tin của 1 người trong một cộng đồng, là động lực cho hành động, và “tập quán” là những hành động được thúc đẩy bởi giá trị, hay niềm tin đó, thì niềm tin lại là kết quả của những gì một người nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy...
Không gian mạng là lĩnh vực an ninh quốc gia, gắn bó chặt chẽ với các chủ quyền về đất liền, biển, đảo, trên không và vũ trụ. Không gian mạng là nơi để quảng bá văn hóa, tư tưởng, niềm tin và sự kính trọng dân tộc.
Tại Việt Nam, chúng ta đã có nhiều nỗ lực kiểm soát truyền thông, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề trong không gian mạng chưa thực sự làm chủ được. Theo báo cáo của Microsoft năm 2020, chỉ số văn minh trên không gian mạng (Digital Civility Index - DCI) của Việt Nam nằm trong đáy 5 quốc gia thấp nhất thế giới.
Một cuộc xâm lấn văn hóa đang diễn ra, khó nhận biết và dưới nhiều hình thức. Nguy cơ tiêm nhiễm văn hóa nước ngoài và nguy cơ biến dạng văn hóa bản địa là có thật. Xã hội cần rất tỉnh táo để loại bỏ nguy cơ lệ thuộc văn hóa cấp thấp ngoại lai, đồng thời góp phần kiến tạo văn hóa Việt Nam nguyên bản, xác lập mạnh mẽ chủ quyền không gian mạng.
Như thế, Việt Nam mới có thể đóng góp và làm giàu thêm văn hóa nhân loại, đồng thời làm giàu cho Việt Nam với một nền kinh tế văn hóa sáng tạo xứng tầm.
Thế giới biết tự vệ
Trong năm 2011 và 2015, Bộ Quy tắc ứng xử quốc tế về an ninh thông tin do Trung Quốc, Nga và một số nước khác đưa ra đã tái khẳng định thẩm quyền chính sách đối với các chính sách công liên quan đến Internet. Tại Nga, học thuyết an ninh thông tin mới được ban hành vào ngày 5.12.2016, nhấn mạnh việc bảo vệ chủ quyền của Nga trong không gian thông tin, bảo vệ chủ quyền an ninh thông tin trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng trên internet. Tháng 5.2019, Tổng thống V. Putin ban hành luật Chủ quyền internet (có hiệu lực kể từ ngày 1.11.2019), nhằm bảo đảm hệ thống Internet của Nga.
Nhiều nước trên thế giới đã có những động thái mạnh mẽ và kiên quyết trong việc bảo vệ sự cạnh tranh lành mạnh trên không gian mạng. Những trang web vi phạm luật an ninh mạng tại Trung Quốc sẽ bị cấm cửa tuyệt đối, không được phép đăng tải thông tin nào chưa qua sự kiểm duyệt của siêu máy chủ do chính phủ nước này tạo nên. Các công ty chuyên cung cấp giải pháp bảo mật hoặc mã hóa dữ liệu thông qua VPN (Virtual Private Network) đều phải tham gia mạng lưới dưới sự kiểm soát của chính quyền.
Ấn Độ áp dụng các biện pháp quản lý ứng dụng cung cấp dịch vụ trực tuyến như Netflix, Amazon Prime và các nền tảng OTT khác. Tại Indonesia, chính phủ đã buộc các dịch vụ OTT và media xuyên biên giới như Amazon, Google, Netflix, Spotify phải đóng 10% thuế giá trị gia tăng trên tổng doanh số.
Singapore đã áp 7% thuế đối với Netflix, Spotify và Amazon Prime. Thái Lan cũng đưa các dịch vụ OTT vào khung quản lý dạng cấp phép để đánh thuế theo cơ chế thuế của Chính phủ.
Việt Nam cần có sách lược để đảm bảo sự bình đẳng và ưu tiên phát triển các công ty bản địa trên không gian mạng để cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp xuyên biên giới. Cần quan tâm đúng mức trước hành vi xâm hại biên cương Văn hóa tư tưởng trên không gian mạng. Cần đầu tư để tạo ra Kỳ lân thuần Việt Nam trên không gian mạng, để kinh tế văn hóa có vai trò dẫn dắt và tạo vị thế cho nước nhà.
Hướng đến mục tiêu 2045 và kỷ niệm 100 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua đầu năm 2021, với mục tiêu đưa VN trở thành một nước phát triển có thu nhập cao, xin phép được kiến nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư có chỉ đạo để sớm thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, gắn với phát triển kinh tế, trước các nền tảng ứng dụng OTT xuyên biên giới.
Trong lịch sử 4000 năm văn hiến, Việt Nam đã chiến thắng các cuộc xâm lăng quân sự ngoại bang, với ý đồ xâm lấn triệt tiêu văn hóa. Nhưng hiện nay, trên không gian mạng, chúng ta đang đứng trước một nguy cơ mới. Nguy cơ một cuộc xâm lăng văn hóa từ bên ngoài có thật, rất thật. Đó là lý do “xâm lăng quân sự” chỉ được coi là đột phá khẩu, còn “xâm lăng văn hóa” mới là vũ khí tối thượng, giúp hoàn tất cuộc xâm lăng toàn diện. Văn hóa tư tưởng giúp thế giới thay đổi cách nhìn về Việt Nam. Hãy nuôi dưỡng “Khát vọng làm người Việt” để xây dựng nền văn hóa thật Việt Nam, không hão huyền, không nô lệ, không ngoại lai và dẫn dắt bởi người Việt Nam, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam.
95% mạng xã hội: do nước ngoài sở hữu (Facebook, Instagram, YouTube, TikTok)
98% công cụ tìm kiếm: do nước ngoài sở hữu (Google, Bing)
98% thư điện tử: do nước ngoài sở hữu (Gmail, Hotmail, Yahoo Mail)
80% thương mại điện tử: do nước ngoài sở hữu (Alibaba, SEA, JD.com)
80% truyền hình OTT: do nước ngoài sở hữu (WeTV (Tencent), IQIYI, NetFlix, Amazon Prime Video, iflix, Apple TV, QQLive, Bilibili, TrueID, Youku, MangoTV, GagaOOLala).
* Lược trích tham luận tại hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ” (11.5.2022). Báo Thanh Niên biên tập và rút tựa.
Bình luận (0)