Nguy cơ lộ thông tin cá nhân khi vay tiền qua mạng

28/01/2019 07:31 GMT+7

Chỉ trong hơn một tháng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã hai lần lên tiếng cảnh báo về rủi ro vay tiền qua mạng.

Mập mờ phí và lãi

Cơ quan này nêu rõ các đơn vị cho vay đã không cung cấp rõ ràng, đầy đủ về các chi phí phát sinh từ khoản vay. Công ty chỉ cung cấp mức lãi suất cho vay mà không nêu cụ thể về phí tư vấn, phí thẩm định tài sản, phí lưu giữ tài sản, phí quản lý hồ sơ… Nhưng các mức phí này thường chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí mà người tiêu dùng phải trả. Vì thế, khách hàng không ước tính được đầy đủ tổng chi phí phải trả.
Ví dụ trên trang doctordong.vn, mức phí và lãi được giới thiệu nếu khách vay 1 triệu đồng trong 30 ngày thì tổng số tiền khách phải trả là 1.391.000 đồng. Tính ra cả lãi và phí tương ứng 39,1%/tháng, tương đương 474,5%/năm. Tuy nhiên, nếu bắt đầu ký hợp đồng, khách hàng sẽ phải đóng thêm phí dịch vụ tư vấn tài chính và phí quản lý khoản vay (phí này sẽ cụ thể theo giá trị từng khoản vay); phí bảo hiểm là 6,5%/giá trị khoản vay (phí này được giải thích là mua bảo hiểm để công ty bảo hiểm toàn cầu sẽ trả số tiền nợ còn lại thay cho khách hàng...). Ngoài ra, khách hàng sẽ chịu phạt 300.000 đồng/lần nếu thanh toán trễ hạn...
Tương tự, theo giới thiệu tại trang cashwagon-cc.vn, khách muốn vay 10 triệu đồng thì sau 20 ngày sẽ trả tổng cộng 13,3 triệu đồng. Ước tính mức lãi phải trả là 165.000 đồng/ngày hay tương ứng lãi suất 1,65%/ngày, 49,5%/tháng hay 594%/năm. Tuy nhiên, công ty này cũng áp dụng một số mức phí khác kèm theo như phí quản lý khoản vay, phí phạt thanh toán trễ hạn 250.000 đồng/lần...
Nhiều dịch vụ, cá nhân cho vay qua mạng khác chỉ giới thiệu lãi suất từ 1,2 - 2%/tháng, tương đương tối đa chỉ 24%/năm. Khi PV liên hệ với một nhân viên thông qua web vaytiennhanh... thì được biết khách hàng sẽ phải chịu thêm phí quản lý khoản vay là 1,5%/ngày, tương đương 45%/tháng tức 540%/năm. Như vậy, nếu cộng đủ các khoản phí quản lý khoản vay dao động từ 1,2 - 2%/ngày và phí phạt trễ hạn, phí bảo hiềm, phí tư vấn... thì hầu hết người vay tiền qua các dịch vụ trên mạng sẽ trả tổng cộng 600 - 700%/năm.
TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế - Luật), nhận xét các loại phí khác có khi chiếm đến 50 - 60% tổng mức phí và lãi suất mà người đi vay phải trả. Việc các đơn vị cho vay online tách riêng phần lãi suất và các loại phí nhằm né quy định về việc lãi suất cho vay không quá 150% so với lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước theo luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Vì vậy các cơ sở để xử lý hầu như không có.

Thông tin cá nhân dễ bị phát tán

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, phần lớn các giao dịch được thực hiện online nên phạm vi thu thập và mục đích sử dụng thông tin của các công ty là rất lớn. Trong đó, có một số mục đích sử dụng đặc thù, ví dụ như: để kiểm tra thông tin về người đi vay thông qua các mạng xã hội mà người đi vay đăng ký (Facebook, Zalo…), hoặc để liên hệ thực hiện nhắc/thu nợ khi phát sinh nợ quá hạn (điện thoại của người thân, của đồng nghiệp…). Nhưng thực tế, một số công ty thu thập thông tin liên hệ của người thân, đồng nghiệp, nơi làm việc của người đi vay nhưng không nêu mục đích sử dụng thông tin này. Vì vậy, trước khi cung cấp thông tin, người tiêu dùng cần tìm và nghiên cứu chính sách thu thập thông tin của công ty để hiểu rõ phạm vi và mục đích sử dụng, tránh trường hợp tự gây ảnh hưởng tới quyền lợi của bản thân, gia đình và bạn bè.
Không chỉ vậy, còn có cả trường hợp bán thông tin cho đơn vị khác. Ví dụ trong điều kiện để vay tiền của trang doctordong.vn có đoạn: “Khách hàng đồng ý rằng công ty có thể tiết lộ dữ liệu thông tin cá nhân của khách hàng cho các chi nhánh, công ty con, công ty liên kết và những thành viên khác của các thành viên góp vốn. Công ty có thể tiết lộ dữ liệu thông tin cá nhân của khách hàng cho các nhà thầu và bên thứ ba, bao gồm nhưng không giới hạn các bên môi giới, bên bảo hiểm và bên xử lý dữ liệu (dù là trong hay ngoài lãnh thổ VN), và cho các cơ quan chức năng liên quan”.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, một khi người đi vay đã chấp thuận với các điều kiện, điều khoản trong hợp đồng thì khó để khiếu kiện sau này.
Dịch vụ cho vay ngang hàng, huy động vốn qua mạng là một sản phẩm tài chính đã phát triển ở nhiều nước. Tại VN dịch vụ đó cũng sẽ ngày càng nở rộ theo sự phát triển của công nghệ, của nền kinh tế chia sẻ nên cấm cũng không được vì các đơn vị, cá nhân sẽ “lách” theo nhiều kiểu khác. Vì vậy Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng và ban hành các quy định liên quan để quản lý và thị trường vận hành tốt hơn, hạn chế những mặt tiêu cực để tránh gây ra các bất ổn lớn trong xã hội.
TS Nguyễn Anh Phong
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.