Nguy cơ mắc ung thư từ bữa sáng nhiễm thuốc diệt cỏ

17/08/2018 19:11 GMT+7

Một tổ chức nghiên cứu và bảo vệ môi trường phát hiện chất glyphosate (từ thuốc diệt cỏ) trong các sản phẩm bánh ngũ cốc phổ biến làm bữa ăn sáng ở Mỹ, làm gia tăng nguy cơ gây bị ung thư cho trẻ em.

Trong báo cáo công bố ngày 15.7, tổ chức Environmental Working Group (EWG, Mỹ) đã tiến hành kiểm tra 45 mẫu thực phẩm ăn sáng làm bằng ngũ cốc trồng trên những cánh đồng có phun thuốc diệt cỏ chứa glyphosate, theo tờ The New York Times.
EWG phát hiện lượng glyphosate trong 31 sản phẩm vượt ngưỡng an toàn. Chuyên gia về chất độc Alexis Temkin của EWG cho biết tổ chức này kịch liệt phản đối việc dùng thuốc diệt cỏ có chứa glyphosate và lưu ý chất này có nguy cơ gây ung thư.
[VIDEO] Phát hiện tác nhân gây ung thư trong ngũ cốc ăn sáng của trẻ em
Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) tuyên bố sẽ xem xét báo cáo của EWG. Tuy nhiên, các công ty sản xuất bánh ngũ cốc dùng ăn sáng như Quaker Oats và General Mills (thương hiệu Cheerios) khẳng định sản phẩm của họ an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn liên bang.
Phản ứng trước báo cáo của EWG, phó chủ tịch Monsanto, ông Scott Partridge tuyên bố EWG tung ra báo cáo là có âm mưu, đồng thời cho rằng nhiều nghiên cứu trước đây kết luận glyphosate là an toàn đối với sức khỏe con người.
EWG có động thái trên sau khi tòa án Mỹ hồi tuần rồi ra phán quyết thuốc diệt cỏ Roundup và RangerPro của tập đoàn Monsanto (chứa glyphosate) góp phần đáng kể trong căn bệnh ung thư giai đoạn cuối của nguyên đơn là ông Dewayne Johnson. Monsanto phải bồi thường cho ông Johnson gần 290 triệu USD (gần 6.750 tỉ đồng), theo AFP.
Thuốc diệt cỏ Roundup do tập đoàn Monsanto phát triển cách đây 40 năm AFP
Theo đơn kiện, ông Johnson là thợ làm vườn và phải tiếp xúc với thuốc diệt cỏ Roundup khoảng 20 - 30 lần mỗi năm trong thời gian làm việc cho một trường học địa phương. Nạn nhân 46 tuổi từng gặp 2 tai nạn khiến thuốc này đổ khắp người, lần đầu tiên là vào năm 2012. Đến năm 2014, Johnson bị chẩn đoán mắc ung thư hạch bạch huyết và hiện căn bệnh đã ở giai đoạn cuối với những vết lở loét phủ kín đến 80% cơ thể. Monsanto đang đối mặt với trên 5.200 đơn kiện tương tự.
Vào tháng 7.2017, Văn phòng Giám định nguy cơ sức khỏe môi trường (OEHHA) ở bang California đã đưa glyphosate vào danh sách chất có khả năng gây ung thư và yêu cầu các công ty kinh doanh mặt hàng chứa chất này phải thêm dòng cảnh báo trên bao bì sản phẩm.
Trước đó, Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hồi năm 2015 cho rằng hoạt chất chính trong thuốc diệt nổi tiếng thế giới Roundup của tập đoàn Monsanto (Mỹ) là glyphosate có khả năng gây ung thư cao.
Tập đoàn Monsanto là một trong 8 công ty ký hợp đồng tổng trị giá 57 triệu USD với Lầu Năm Góc nhằm cung cấp thuốc diệt cỏ chứa hóa chất cực độc dioxin cho quân đội Mỹ tiến hành chiến dịch Ranch Hand trong chiến tranh Việt Nam. Trong giai đoạn 1961 - 1971, có đến 45 triệu lít chất độc da cam được rải xuống, khiến khoảng 4,8 triệu thường dân Việt Nam bị phơi nhiễm dioxin. Số liệu thống kê cho thấy 4 triệu người Việt Nam nhiễm độc, 500.000 trẻ em sinh ra bị dị tật và có thể tiếp tục ảnh hưởng đến thế hệ thứ 3 và 4 do dioxin vẫn còn ngấm sâu trong đất. Hồi tháng 4.2017, Tòa án quốc tế tại The Hague (Hà Lan) ra kết luận cho rằng Monsanto phá hoại môi trường nhưng phán quyết này không mang tính ràng buộc pháp lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.