Nguy cơ Mỹ mất căn cứ tuyệt mật giữa Ấn Độ Dương

13/03/2019 09:00 GMT+7

Căn cứ Diego Garcia có vị trí vô cùng chiến lược đối với các chiến dịch của Mỹ ở Trung Đông và châu Á, trong đó có khu vực Biển Đông.

Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) mới đây ra phán quyết yêu cầu Anh chấm dứt kiểm soát quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương, trước đây thuộc về đảo quốc Mauritius ở Đông Phi. Theo AP, dù không mang tính ràng buộc nhưng phán quyết của tòa án thuộc LHQ đang gây áp lực lớn khiến London phải cân nhắc. Phán quyết được thông qua với sự đồng ý của 13/14 thẩm phán, trong khi thẩm phán Joan Donoghue của Mỹ phản đối vì Washington đang đặt căn cứ quân sự Diego Garcia tại đây trên đất thuê lại của Anh.
Nằm cách lục địa gần nhất hơn 1.600 km, Chagos gồm 60 đảo san hô vòng từng thuộc chủ quyền của Mauritius trước khi trở thành thuộc địa của Hà Lan, Pháp và sau đó là Anh từ năm 1965. Theo trang The Conversation, người Anh đã đưa hàng trăm lao động từ Mozambique và Madagascar đến làm việc tại các đồn điền dừa trên đảo. Sau khi LHQ ra nghị quyết về việc trao trả chủ quyền cho các nước thuộc địa, Anh quyết định trả độc lập cho Mauritius vào năm 1968 nhưng vẫn giữ lại Chagos và gọi đây là lãnh thổ Ấn Độ Dương của Anh. Mặt khác, ngay từ năm 1965, Mỹ ký thỏa thuận bí mật với Anh nhằm thuê lại đảo Diego Garcia để thiết lập căn cứ quân sự và hoạt động tại đây “đến khi nào không còn nhu cầu”. Theo CNN, khi đó Mỹ đã trả 3,9 triệu USD cho Mauritius và thỏa thuận giảm 14 triệu USD khi bán tên lửa cho Anh để trang bị trên tàu ngầm lớp Polaris.
Thỏa thuận này đã mở ra trang sử buồn cho khoảng 3.000 người bản địa sống trên quần đảo Chagos. Trong giai đoạn 1967 - 1973, toàn bộ cộng đồng dân cư bị trục xuất đến Mauritius và Seychelles để Mỹ tiến hành xây căn cứ. Đảo Diego Garcia sau đó trải qua quá trình cải tạo lớn trước khi căn cứ bắt đầu hoạt động hoàn toàn vào năm 1986.
Theo chuyên gia phân tích quân sự Cedric Leighton của CNN, cảng biển được nạo vét để phục vụ các tàu sân bay, còn đường băng dài hơn 3,6 km được xây dựng để phục vụ các oanh tạc cơ B-1, B-2 và B-52 trong các sứ mệnh bay qua châu Á, bao gồm khu vực Biển Đông, và thậm chí chuẩn bị cho tàu con thoi đáp xuống trong trường hợp khẩn cấp.
Nguy cơ Mỹ mất căn cứ tuyệt mật giữa Ấn Độ Dương1
Toàn cảnh đảo Diego Garcia Ảnh: Hải quân Mỹ
Chỉ vài tuần sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001 ở Mỹ, Lầu Năm Góc triển khai thêm 2.000 binh sĩ đến đảo, đồng thời căn cứ được mở rộng thêm 12 ha nhằm hỗ trợ các chiến dịch ở Trung Đông cũng như phục vụ cuộc chiến ở Iraq từ năm 2003 - 2011. Diego Garcia còn nằm trong số ít căn cứ điều hành hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của quân đội Mỹ nhờ vị trí biệt lập giữa biển nên các tín hiệu vệ tinh khó bị tấn công gây nhiễu.
Hòn đảo 30 ha được xếp vào danh sách căn cứ tối mật nên chỉ có quân nhân và các quan chức thuộc Lầu Năm Góc sống trên đó. Họ cũng không được phép đưa vợ/chồng đến ở cùng như tại căn cứ trên đảo Guam. Bên cạnh đó, chưa phóng viên nào được phép đến thăm đảo, trong khi căn cứ hải quân tại vịnh Guantanamo cũng thuộc hàng tối mật nhưng vẫn có phóng viên được vào.
Trường hợp ngoại lệ duy nhất là một phóng viên của tạp chí Time tháp tùng Tổng thống George W.Bush từng được xuống sân bay khi chiếc Không lực 1 hạ cánh tại Diego Garcia để tiếp liệu. Bên cạnh đó, có nhiều đồn đoán về việc Cục Tình báo trung ương (CIA) đưa những người bị bắt giữ đến đảo để tra tấn và thẩm vấn, dù CIA luôn bác bỏ thông tin này.
Sau phán quyết của ICJ, nhiều chính trị gia đối lập tại Anh như lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn kêu gọi Thủ tướng Theresa May trao trả Chagos cho Mauritius. Về phía chính phủ, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao tuyên bố bộ này sẽ xem xét phán quyết “một cách cẩn thận”, đồng thời nhấn mạnh Lãnh thổ Ấn Độ Dương đã giúp “bảo vệ người dân tại Anh và trên thế giới trước các mối đe dọa khủng bố, tội phạm có tổ chức và cướp biển”. Trong khi đó, Thủ tướng Mauritius Pravind Jugnauth không đề cập đến tương lai căn cứ của Mỹ nhưng hoan nghênh phán quyết là “thời khắc lịch sử cho Mauritius và tất cả người dân”, đồng thời nhấn mạnh ICJ đã giúp mở đường cho người dân đảo Chagos và các thế hệ con cháu “sau cùng có thể trở về nhà”. Tuy nhiên theo các chuyên gia, vấn đề này không thể sớm được giải quyết một cách rốt ráo vì còn phải trải qua nhiều vòng thương thảo về căn cứ Diego Garcia, nhất là trong bối cảnh Mauritius đang là tâm điểm cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.