Theo UBND TP.Đà Nẵng, dự báo từ tháng 3 đến tháng 5, nắng nóng có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm tại khu vực Trung bộ. Từ tháng 6 đến tháng 8, nắng nóng gay gắt khu vực này có khả năng xuất hiện nhiều hơn, có thể nắng nóng đặc biệt gay gắt, nguy cơ cao thiếu nước, nhiễm mặn ở hạ du sông Vu Gia, ảnh hưởng cấp nước cho TP.Đà Nẵng và H.Đại Lộc, TX.Điện Bàn (Quảng Nam).
Trong các năm trước (2019 - 2021), UBND TP.Đà Nẵng đã giao Công ty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đắp đập tạm bằng bao cát trên sông Quảng Huế đến cao trình 3,2 m.
Năm 2022, UBND tỉnh Quảng Nam cũng thống nhất chủ trương tiếp tục đắp đập tạm trên sông Quảng Huế, nhưng lúc này mực nước trên sông Vu Gia luôn ở mức cao, bảo đảm cấp nước cho hạ du nên không cần thiết đắp đập tạm.
Tuy nhiên, trước nguy cơ thiếu nước, nhiễm mặn năm 2024, UBND TP.Đà Nẵng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương đắp đập tạm trên sông Quảng Huế để bảo đảm cấp nước an toàn cho hạ du sông Vu Gia cho 2 tỉnh, thành.
Thực tế từ đầu năm đến nay, mực nước sông Vu Gia và sông Yên hạ thấp, Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Quảng Nam đã đề nghị Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Đà Nẵng vận hành hệ thống thủy lợi An Trạch (đập dâng An Trạch, Bàu Nít, Hà Thanh, Thanh Quýt cùng các trạm thủy nông), sửa chữa các cánh cửa van điều tiết đang bị hư hỏng ở đập An Trạch để bảo đảm cấp nước cho 9.700 ha đất sản xuất nông nghiệp cũng như nhu cầu sản xuất khác.
Sáng 5.3, trước đề nghị của UBND TP.Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp các ngành, đơn vị, địa phương liên quan rà soát, nghiên cứu, tham mưu và báo cáo trước ngày 15.3, để UBND tỉnh có ý kiến phúc đáp UBND TP.Đà Nẵng.
Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, ngay từ đầu năm, nguồn nước chính cấp cho TP.Đà Nẵng đã bị nhiễm mặn trong một số khoảng thời gian. Dawaco đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục, điều tiết và đảm bảo cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho hạ du.
Bình luận (0)