Nhân viên y tế bị nhiễm bệnh làm suy yếu cả hệ thống phòng dịch
Việc có ít nhất 3 nhân viên y tế của Việt Nam mắc Covid-19, trong đó có 1 bác sĩ 29 tuổi bị lây nhiễm chéo, đã làm dấy lên những lo ngại.
Cùng với 3 người dương tính với SARS-CoV-2, là hàng trăm nhân viên y tế khác phải cách ly (riêng Bệnh viện Bạch Mai đã có 150 y, bác sĩ bị cách ly liên quan đến 2 điều dưỡng mắc bệnh). Trước đó, tại Bệnh viện Hồng Ngọc và Bệnh viện Xanh-pôn (Hà Nội) cũng đã có 31 y, bác sĩ bị cách ly, khi 2 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đến khám.
Việc hệ thống y tế vốn đã chạy căng sức trong mùa dịch, còn phải chịu tổn thất vì y, bác sĩ nhiễm bệnh đã được thế giới chỉ ra là một trong những yếu huyệt của các quốc gia, kể cả các quốc gia phát triển, trong đương đầu với dịch bệnh.
The Lancet, tạp chí y khoa lâu đời và danh tiếng nhất trên thế giới, dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, cho thấy đến đầu tháng 3, đã có hơn 3.300 nhân viên y tế nước này mắc Covid-19. Theo truyền thông Trung Quốc, vào cuối tháng 2, ít nhất đã có 22 người tử vong.
Tại Ý, 20% nhân viên y tế đối phó với dịch đã bị nhiễm bệnh, và một số đã tử vong.
Ngày 19.3, Reuters dẫn nguồn từ một báo cáo được công bố bởi GIMBE - một tập đoàn y học của Ý, cho biết ít nhất 2.629 nhân viên y tế của nước này đã bị nhiễm SARS-Cov-2, kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát vào tháng 2, chiếm 8,3% tổng số ca bệnh.
Con số đã khiến hệ thống y tế vốn đang căng như dây đàn của Ý bị sốc. Tỷ lệ nhân viên y tế bị nhiễm bệnh ở Ý gần gấp đôi số lượng được ghi nhận trong cùng thời điểm của Trung Quốc (thời điểm khoảng 3.200 ca tử vong).
Theo số liệu được công bố trên JAMA Network Open, tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ, nhân viên y tế bị nhiễm bệnh ở Trung Quốc chiếm 3,8% trong tổng số các trường hợp.
Tại Mỹ, tờ Washington Post hôm 18.3 dẫn tin từ “một quan chức liên bang giấu tên”, cho biết chính phủ nước này đã nhận được báo cáo về hơn 60 ca nhiễm bệnh trong các nhân viên y tế, trong đó hơn 10 người có liên quan đến du lịch (tương tự bệnh nhân thứ 86 của Việt Nam).
Nếu hệ thống y tế hiện đại của các quốc gia phát triển cũng gặp vấn đề như vậy, các quốc gia đang phát triển càng phải cẩn trọng hơn gấp bội.
Hệ thống y tế sẽ phải hoạt động quá tải vài tháng nữa
Báo cáo của nhân viên y tế từ Ý cho thấy, họ kiệt sức cả về thể chất và tinh thần. Ngoài nguy cơ cao của việc nhiễm virus, họ còn bị dằn vặt bởi những quyết định khó khăn, nỗi đau mất bệnh nhân và đồng nghiệp.
Tại Ý, sự bùng phát của đại dịch đã khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng căng thẳng chưa có tiền lệ, kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Khi đại dịch leo thang, việc thiếu trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho nhân viên y tế là mối lo chính. Mặc dù nhiều quốc gia đã dành ưu tiên nguồn lực cho nhân viên y tế, nhưng thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ đang diễn ra ở hầu khắp mọi nơi. Một số nhân viên y tế phải đợi thiết bị, trong khi các bệnh nhân nhiễm Covid-19 vẫn xuất hiện; hoặc được cung cấp thiết bị không đạt yêu cầu.
Ngay tại Ý, Pháp, những quốc gia châu Âu giàu có, thậm chí cả Mỹ, thiết bị bảo hộ đã trở nên hết sức khan hiếm. Hôm 22.3, Giám đốc Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, tiến sĩ Fauci, đã khuyến cáo người dân không nên cố gắng để được xét nghiệm SARS-CoV-2, vì nước này phải dành nguồn lực để bảo vệ các nhân viên y tế, bởi nhân viên y tế càng bị nhiễm bệnh thì khả năng phản ứng của hệ thống y tế càng kém.
Bên cạnh những lo lắng cho an toàn của cá nhân họ, nhân viên y tế cũng trăn trở nỗi lo về việc có thể lây nhiễm cho gia đình mình. Những nhân viên y tế có cha mẹ già, con nhỏ cũng bị tác động bởi việc đóng cửa trường học, chính sách “giãn cách xã hội” (social distancing), sự thiếu hụt thực phẩm và các đồ thiết yếu.
Hệ thống y tế toàn cầu có thể sẽ phải hoạt động quá công suất trong nhiều tháng nữa, ở Việt Nam cũng vậy. Các nhân viên y tế, không giống như phòng bệnh hay máy thở, không thể được “sản xuất” cấp kỳ hoặc chạy với 100% công suất trong thời gian dài. Do đó, trong phản ứng toàn cầu với dịch bệnh, sự an toàn của nhân viên y tế phải được đảm bảo.
Hiện nay, ngành y tế Việt Nam mới kêu gọi người dân “đồng hành”, hạn chế đi lại, bảo vệ chính mình; chưa có các khuyến cáo giảm khám chữa các bệnh không cấp bách, giảm xét nghiệm, để tiết kiệm thiết bị y tế như các quốc gia phương Tây. Tuy nhiên, sự chuẩn bị không bao giờ là quá sớm.
Bình luận (0)