Dự án cống sông Cái Lớn - Cái Bé cho thấy chúng ta vẫn loay hoay với giải pháp thiếu hiệu quả này.
Hàng loạt công trình không thành công
Với tư cách “nguyên Trưởng ban Chỉ đạo nghiên cứu cải tạo bán đảo Cà Mau, năm 1983”, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân phân tích: Thời đó cái sông Trẹm (Cà Mau) không bao giờ bị mặn nhưng giờ đã mặn. Do biến đổi khí hậu ư? Có thể. Nhưng tác nhân chính vẫn là do chúng ta tác động không đúng, tôi chắc chắn như vậy. Trước năm 1975 vùng bán đảo Cà Mau này đào những con kênh song song với sông Hậu. Từ kênh 1.000 đến kênh 12.000 để lấy nước ngọt và thoát nước trong mùa lũ cho vùng này từ khu vực Tứ giác Long Xuyên. Người ta làm vậy vì họ hiểu rõ địa hình vùng này. Khu vực trũng trung tâm nằm trên dải đứt gãy từ Hòn Khoai (Cà Mau) kéo dài đến tận tỉnh Koh Kong (Campuchia). Sau này chúng ta không hiểu được bản chất địa hình của vùng nên đào những con kênh thẳng góc với sông Hậu để lấy nước sông Hậu. Các con kênh mới này từ kênh Cán Gáo kết vào sông Trẹm, làm nhiễm mặn con sông Trẹm và vùng tây nam sông Hậu. Theo chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau, chúng ta đào kênh Quản Lộ Phụng Hiệp, rồi bơm nước ngọt vào kênh này. Mặt khác chúng ta xây dựng 11 cống trong vùng nội bộ, ngăn không cho mặn vào.
tin liên quan
Nguy cơ nghèo hóa bán đảo Cà MauTS Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học, thì dẫn chứng: Ở bán đảo Cà Mau mấy chục năm qua con tôm và cây lúa được ưu tiên lựa chọn. Nhưng hai đối tượng này mâu thuẫn nhau về nguồn nước. Nước thải ao tôm làm chết lúa và nước thải lúa cũng làm chết tôm. "Nếu chỉ nhìn mặn - ngọt chúng ta “thất thủ” rồi. Ngày xưa ranh giới giữ mặn nằm ngoài biển vùng Đầm Dơi, Cái Nước (Cà Mau); ở Bạc Liêu thì tận ngoài phía biển. Tới năm 2000, ranh giới mặn vào tận quốc lộ 1. Đây là sự thất thủ vòng 1. Với dự án CLCB, chúng ta rút về phía tây kênh Quản Lộ Phụng Hiệp, thất thủ vòng 2. Cứ vậy chúng ta sẽ thất thủ đến bao giờ?", TS Ni bức xúc và cho rằng, vấn đề không phải là mặn - ngọt mà là thiếu đa dạng cây trồng và vật nuôi.
“Hù dọa” để làm dự án ?
Một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nhưng nếu dự án được triển khai ĐBSCL sẽ chìm ngày càng nhanh hơn.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện chỉ ra: Trong bản tóm tắt dự án CLCB lấy tình huống cao nhất (RCP 8.5) của Kịch bản 2016 với nước biển dâng 1 m vào 2100 là không phù hợp vì kịch bản cao nhất không phải là kịch bản có khả dĩ nhất. Đối với nông nghiệp, chỉ nên dùng kịch bản RCP 4.5 là kịch bản khả dĩ nhất mà Bộ TN-MT khuyến cáo sử dụng. Theo đó nước biển dâng đến 2100 chỉ có 55 cm phía Biển Đông và 53 cm phía biển Tây, so với giai đoạn 1985 - 2005 chứ không phải là từ bây giờ tới cuối thế kỷ sẽ dâng thêm 55 hay 53 cm.
“Thực tế nước biển dâng chỉ có 3 mm/năm thôi. Lấy tình huống cao nhất của tương lai hơn 80 năm nữa để “hù dọa” làm cơ sở để nói công trình ngàn tỉ này cần cấp bách bây giờ là không đúng”, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nói thẳng.
Ông cũng không ngần ngại nhận xét, tài liệu dự án còn những phân tích rất “ngô nghê”. Ví dụ “ngay cả trong trường hợp kịch bản nước biển dâng 65 cm thì gần như toàn bộ vùng hưởng lợi cũng bị nước biển gây ngập. Do vậy nếu không có giải pháp công trình thì sẽ là một thảm họa với hơn 3,5 triệu dân sống trong khu vực”.
“Ở đây rõ ràng là lấy mực nước dự báo cho 82 năm nữa mà số liệu dân số là bây giờ, phân tích loạn hết cả”, ông Thiện nhận xét và cho rằng với một công trình có 4 yếu tố là đắt đỏ, đã làm là không sửa được, rủi ro sai lầm cao, và đưa đồng bằng vào thế “đâm lao phải theo lao” thì nên được xếp vào loại hối tiếc cao, theo đó là ưu tiên thấp.
Nhóm chuyên gia độc lập ĐBSCL kiến nghị: Dừng ngay xu hướng cũ đồng thời đánh giá lại hiệu quả của các công trình đã có. Trước mắt chưa thể tháo bỏ các công trình đã lỡ xây dựng, cần khẩn cấp dừng tất cả các công trình không cần thiết, điển hình là dự án CLCB. Đánh giá lại hiệu quả thực tế của các công trình lớn như Ngọt hóa bán đảo Cà Mau, cống đập Ba Lai, dự án kiểm soát lũ Ô Môn - Xà No, dự án Nam Măng Thít để rút ra bài học trước khi tiếp tục đầu tư vào những công trình lớn khác. Chuyển đổi dần những vùng nào canh tác lúa kém hiệu quả. Thay đổi cách tiếp cận để thích nghi. Cách tiếp cận để thích nghi với hiểm họa thiên nhiên của thế giới hiện nay là “thích nghi và chuyển đổi dần theo thời gian trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định”.
Bình luận (0)