Bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Thanh Lịch, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, khi đốt than trong phòng ngủ, nhà chật hẹp lại đóng kín cửa, than cháy sẽ đốt hết khí oxy, sinh ra khí CO2 gây ngộ độc cho người trong phòng. Đặc biệt, trong tình trạng thiếu oxy sẽ sinh ra khí CO là khí độc thải ra do sự đốt cháy không hoàn toàn, không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ, mọi người sẽ dần lịm đi mà không biết gì.
"Có những trường hợp, tự dưng thấy choáng nhưng cũng không thể dậy để mở cửa phòng, ngã vật xuống và lịm đi. Những trường hợp này không cấp cứu kịp thời, để thiếu oxy não lâu dẫn đến hôn mê, tử vong, nếu cứu được cũng sống đời sống thực vật do não bị tổn thương", bác sĩ Lịch chia sẻ.
Phương pháp sưởi ấm này đặc biệt nguy hiểm với người già và trẻ nhỏ, những người hệ hô hấp yếu hoặc chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó nguy cơ gây cháy cũng rất cao nếu sử dụng than củi, than tổ ong trong phòng kín.
"Trong trường hợp thời tiết quá lạnh, buộc phải sử dụng than thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, cần mở hé cửa để bảo đảm thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức, không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng. Người dân cần tắt lửa triệt để khi không sử dụng", bác sĩ Lịch khuyến cáo.
Cùng quan điểm, bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, cho biết đốt than sưởi ấm trong mùa lạnh có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. Bởi trong khói than chứa nhiều thành phần độc hại như CO, CO2, NOx và một số chất khác như lưu huỳnh oxit, fomandehit...
Ngoài ra với người có hệ hô hấp còn non yếu, đề kháng kém như trẻ em việc hít khói than thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi. Phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, người có bệnh nền khi tiếp xúc khói than cũng tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp, gây hại cho thai nhi...
Xử lý trong trường hợp ngộ độc khí trong phòng kín
Theo bác sĩ Lịch, người bị ngộ độc khí CO, lúc đầu triệu chứng không rõ ràng. Nếu ngộ độc nhẹ, nạn nhân thường đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, có thể da đỏ như quả anh đào nhưng là dấu hiệu không đặc hiệu.
Khi ngộ độc vừa, nạn nhân bị đau ngực, khó tập trung, nhìn mờ, khó thở khi gắng sức nhẹ, mạch nhanh, thở nhanh…
Đặc biệt nguy hiểm nếu ngộ độc trong phòng kín vào thời điểm đi ngủ, nạn nhân dường như mất ý thức và không nhận ra các dấu hiệu khác thường của cơ thể.
"Trong trường hợp phát hiện có nạn nhân bị ngộ độc khí, người nhà cần khẩn trương làm thông thoáng không khí bằng cách mở rộng cửa. Trước khi đi vào vùng nhiễm độc, cần mang khẩu trang ẩm, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm. Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở phải thổi ngạt ngay bằng hô hấp nhân tạo và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở, phải tiến hành ngay hồi sức tim phổi", bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Thanh Lịch khuyến cáo.
Một số cách giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh
Bác sĩ Nguyễn Thu Hà, Tổ trưởng tổ Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết có một số cách lành mạnh giúp giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh mà người dân có thể tham khảo như:
- Ăn đầy đủ các nhóm chất: Ăn cân đối và đủ số lượng các nhóm thực phẩm tinh bột, thịt cá, rau, trái cây, sữa. Có thể thêm các gia vị cay nóng vừa phải tạo cảm giác nóng ấm phù hợp.
- Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh.
- Tập thể dục, vận động phù hợp: Việc vận động trong những ngày lạnh cũng làm tăng thân nhiệt hiệu quả.
- Ngủ đủ giấc và hợp lý: Nên ngủ từ 7-8 giờ/ngày và giữ ấm cơ thể khi ngủ.
- Không nên tắm quá lâu: Việc tiếp xúc với nước quá lâu dù là nước nóng hay lạnh cũng dễ làm cho cơ thể mất nhiệt.
- Mặc quần áo phù hợp để giữ ấm.
- Hạn chế ra ngoài trời lúc quá sớm hoặc tối muộn: Thời gian này nhiệt độ xuống thấp nên lạnh hơn những thời điểm khác trong ngày.
Bình luận (0)