Tạo việc làm cho lao động nông thôn
Nghề hầm than củi đã tồn tại và phát triển hàng chục năm qua tại miền Tây, sản phẩm than không chỉ đến tay người tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu. Dọc theo con sông Cái Côn và sông Kinh cũ qua địa phận xã Xuân Hòa (H.Kế Sách, Sóc Trăng), xã Phú Tân (H.Châu Thành, Hậu Giang) và 2 xã Tân Thành, Đại Thành (TX.Ngã Bảy, Hậu Giang) có đến hàng ngàn lò hầm than đang hoạt động ngày đêm. Cũng nhờ những lò than này mà người dân nông thôn có cuộc sống ổn định. Anh Nguyễn Văn Triển (50 tuổi, ngụ ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa) cho biết: “Nhờ vào nguồn thu từ 5 lò than mà gia đình tôi thoát khỏi cảnh làm thuê, làm mướn và có điều kiện lo cho 3 đứa con ăn học đàng hoàng”. Còn bà Nguyễn Thị Tư (chủ của một cơ sở sản xuất than lớn tại xã Phú Tân) thì nói: “Gia đình tôi đã đầu tư xây dựng 7 lò than với công suất từ 12 - 15 tấn củi/lò. Sau 45 ngày hầm củi, mỗi lò than thành phẩm cho lãi từ 10 - 20 triệu đồng (tùy vào giá cả). Nhờ đó, gia đình tôi đã mua được chiếc ghe gần chục tấn để vận chuyển than lên TP.HCM bán”.
Ông Trần Văn Chuộc, Phó chủ tịch UBND xã Phú Tân, cho biết từ nhiều năm nay, làng nghề hầm than đã tạo công ăn việc làm cho hơn 4.000 lao động/năm, với thu nhập bình quân từ 200.000 - 300.000đồng/ngày. Đối với những hộ chuyên làm nghề hầm than củi ở xã thì phần lớn đều có kinh tế ổn định, xây nhà, mua xe, ghe trọng tải lớn... và có điều kiện đầu tư cho con cái học hành.
Cần giải pháp hài hòa
Làng nghề hầm than tại xã Xuân Hòa được ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng quy hoạch thành làng nghề truyền thống, song hành với đó là giải pháp lắp đặt trên 730 hệ thống xử lý khí thải, công suất 150 m3/ngày/hệ thống, thế nhưng đến nay dự án vẫn “trên giấy” vì chưa có kinh phí. Đã gần 6 năm qua, xã Xuân Hòa vẫn chưa hoàn thành được tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Hầu hết các chủ lò hầm than đều mong muốn các ngành chức năng thành lập hợp tác xã than giúp các chủ lò trong việc tìm nguyên liệu, đầu ra với giá cả ổn định, đồng thời xây dựng hệ thống xử lý khói bụi đạt chuẩn để nghề hầm than phát triển bền vững.
Ông Trần Hồng Đức, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Châu Thành, cho biết tổng diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng của khí thải lò than trên toàn xã Phú Tân là 290 ha, chủ yếu là bưởi và cam sành. Nhiều năm qua, các nhà khoa học, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước cùng nhau tìm các giải pháp vừa để phát triển làng nghề, vừa bảo vệ môi trường… nhưng vẫn chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm. Hiện địa phương chỉ khuyến khích người dân chuyển đổi sang những cây trồng có khả năng chịu đựng tốt như: chôm chôm, tràm bông vàng, bạch đàn…
Còn theo báo cáo của Phòng TN-MT H.Châu Thành, hiện trên địa bàn xã Phú Tân có khoảng 620 lò với tổng số 340 hộ sản xuất than, mỗi hộ có từ 2 - 5 lò, cá biệt có hộ có đến 10 lò than. Các lò than đều hoạt động không có giấy phép kinh doanh, sử dụng đất không đúng mục đích, không có hệ thống xử lý môi trường. Ông Nguyễn Tấn Trung, Trưởng phòng TN-MT H.Châu Thành, cho rằng muốn khắc phục tình trạng trên cần phải xây dựng mô hình xử lý khí lò đốt than củi hoạt động dựa trên phương pháp hấp thụ. Khí thải từ các lò đốt than sẽ đi qua hệ thống thu gom đến tháp lắng bụi và tháp hấp thụ. Tại đây, khí thải sẽ được xử lý và khí thải sạch được thải ra môi trường theo đường ống khói. Mô hình đang được thử nghiệm tại một số lò than trên địa bàn tỉnh và chờ kết quả để triển khai, nhân rộng.
Bình luận (0)