Nguy cơ phạt nặng khi mang thịt heo sang Đài Loan

17/02/2019 06:30 GMT+7

Hành khách từ VN nhập cảnh vào Đài Loan có thể bị phạt số tiền lớn nếu mang các sản phẩm từ thịt heo nhưng không khai báo kiểm dịch.

Theo CNA hôm qua, cơ quan chức năng Đài Loan từ chiều 15.2 bắt đầu kiểm tra hành lý của 100% hành khách từ VN sang vì lo ngại lây lan dịch tả lợn châu Phi (ASF). Biện pháp này được đưa ra sau khi Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan (COA) xác nhận đã phát hiện một vật phẩm dương tính vi rút ASF được mang từ VN sang. Mầm bệnh được phát hiện trong ổ bánh mì thịt của một hành khách người Đài Loan, bay từ TP.HCM đến Đài Nam trên chuyến bay ngày 5.2. Hành khách này đã bị phạt 30.000 TWD (22,5 triệu đồng) vì không khai báo kiểm dịch. Giới hữu trách Đài Loan hiện không xếp VN vào danh sách các nước có dịch ASF nhưng nằm trong danh sách các nước có dịch lở mồm long móng.
Nhân viên hải quan Đài Loan bắt đầu kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm từ thịt heo do khách từ VN mang sang từ tháng 11.2018 và vụ ngày 5.2 là trường hợp đầu tiên phát hiện dương tính với vi rút ASF, buộc cơ quan chức năng sở tại phải siết chặt kiểm soát. Theo tờ Taipei Times, Đài Loan đã thông báo với phía VN và Tổ chức Sức khỏe động vật thế giới (OIE) về trường hợp dương tính với ASF. Lãnh đạo COA Trần Cát Trọng cho biết việc kiểm tra, soi chiếu hành lý của toàn bộ hành khách từ VN sẽ kéo dài cho đến khi Đài Loan kết luận không có ổ dịch ASF tại VN. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng Đài Loan nghi ngờ mầm bệnh được phát hiện lần này có nguồn gốc từ Trung Quốc vì chứa chuỗi gien giống với vi rút ASF tại Trung Quốc.
Trả lời Thanh Niên ngày 16.2, ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế văn hóa VN tại Đài Bắc, cho hay do VN không thuộc danh sách các nước có dịch ASF, hơn nữa sự việc ngày 5.2 là trường hợp cá biệt nên việc chính quyền Đài Loan triển khai các biện pháp kiểm tra tại sân bay là điều hợp lý trong thời gian chờ kết luận của cơ quan chức năng. “Văn phòng đã báo cáo cho Cục Thú y, Bộ Ngoại giao nhằm triển khai công tác phòng chống dịch, đặc biệt khi VN giáp biên giới Trung Quốc, khó khăn trong việc kiểm soát dịch ASF tràn sang. Đồng thời, văn phòng khuyến cáo những hành khách từ VN sang Đài Loan tuyệt đối không mang sản phẩm từ thịt heo, kể cả các sản phẩm đóng hộp”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo quy định phòng chống bệnh truyền nhiễm động vật của Cục Kiểm dịch phòng dịch động thực vật Đài Loan, người mang các sản phẩm từ thịt heo đến từ quốc gia, khu vực chưa được công bố là vùng hết dịch lở mồm long móng mà không khai báo kiểm dịch khi nhập cảnh sẽ bị phạt 30.000 TWD cho lần vi phạm đầu tiên. Mức phạt tăng lên gấp 10 cho lần thứ hai và cao nhất là 1 triệu TWD nếu vi phạm nhiều lần. Riêng đối với hành khách từ Trung Quốc, nơi dịch ASF bị cho là đang bùng phát trên diện rộng, mức phạt cho lần vi phạm đầu tiên là 200.000 TWD và tối đa 1 triệu TWD.
Trả lời Thanh Niên, đại diện các hãng hàng không cùng một số công ty lữ hành tại TP.HCM cho hay hoạt động khai thác của hàng không và xin thị thực cho khách tới Đài Loan của các công ty du lịch vẫn đang diễn ra bình thường. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông và marketing Công ty du lịch TST, cho biết thêm việc quy định các vật phẩm được phép/không được phép nhập cảnh tại mỗi điểm đến luôn được các công ty lữ hành tư vấn rõ ràng tới khách hàng trước mỗi chuyến đi. Cũng còn một số trường hợp khách hàng cố tình mang theo và bị phát hiện khi qua cổng an ninh soi chiếu làm thủ tục nhập cảnh nhưng đa phần khách đi tour qua các công ty lữ hành đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định đã được khuyến cáo trước. “Khi nhận thông tin chính thức từ phía nhà chức trách Đài Loan, chúng tôi sẽ tiếp tục có thêm giải thích chi tiết và hướng dẫn khách hàng tuân thủ đúng quy định”, ông nói.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines (VNA) đã triển khai phát thanh khuyến cáo hành khách khi mang thực phẩm vào Đài Loan, trên các chuyến bay đến vùng lãnh thổ này kể từ tháng 1.2019. Phía Đài Loan cũng đã cung cấp một đoạn ghi hình khuyến cáo tương tự và VNA dự kiến phát trong tháng 4 hoặc tháng 5 do cần thời gian chuẩn bị, trong khi nhà chức trách Đài Loan khuyến cáo phát càng sớm càng tốt.
Hà Mai
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.