Nguy cơ 'rửa' tranh

10/09/2018 06:41 GMT+7

Một tác phẩm không có giấy tờ xuất xứ, sau khi vào nhà đấu giá bỗng chốc lại có lý lịch là tác phẩm của tác giả nổi tiếng. Khi nghi vấn được nêu ra, nhà đấu giá vẫn không công khai văn bản thẩm định.

Chứng cứ pháp lý lỏng lẻo
Nhà đấu giá Chọn gặp sự cố với tranh của ông Nguyễn Văn Tỵ khi con gái ông Tỵ khẳng định tác phẩm dự kiến đấu giá không phải của cha mình. Trong khi đó, phía khẳng định đó là tranh của ông Tỵ lại dựa vào một cuốn sách giới thiệu tranh. “Ông Nguyễn Dung là người học Trường Mỹ thuật Đông Dương, nhà phố Quán Thánh. Con trai ông Dung là ông Trường có một bộ sưu tập tranh của bố để lại và cũng mua thêm vài bức. Trong bộ sưu tập này có bức tranh đó. Vậy nếu mình dựa vào một cuốn sách tranh tự in và nói bức tranh đó là thật thì không có cơ sở khoa học”, họa sĩ Lê Thiết Cương nhớ lại.
Việc dựa vào một xác nhận mơ hồ để chứng nhận một bức tranh thuộc về tác giả nhất định sau đó đã lặp lại với Nhà đấu giá Chọn. Đó là trường hợp những ngày gần đây Chọn đưa lên sàn một bức tranh lụa kèm theo chữ ký và thông tin tác giả là cố họa sĩ Vũ Giáng Hương, sáng tác năm 1995. Bức lụa này rất giống với một bức sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Văn Đông vẽ năm 2018. Họa sĩ Đông ngay sau đó đã chứng minh việc hình thành tác phẩm của mình dựa trên bức ảnh chụp người mẫu mà anh được trao để đặt vẽ. Trong khi đó, nhà sưu tập Việt Phương - chủ bức tranh lụa - lại không thể đưa ra bất cứ giấy tờ nào của tranh lụa.
Ông Trần Vũ Hùng, Giám đốc điều hành Nhà đấu giá Chọn, cho biết nhà đấu giá đã nhờ chuyên gia thẩm định và được xác nhận đó là tranh của Vũ Giáng Hương. Tuy nhiên, ông Hùng tuyên bố “không công khai danh tính của chuyên gia thẩm định”.
Nguy cơ 'rửa' tranh1
Đối chất về bức tranh lụa nghi giả giữa Nhà đấu giá Chọn (phải) và họa sĩ Nguyễn Văn Đông Ảnh: Trinh Nguyễn
Một số bức tranh khác khi được đưa ra đấu giá đã bị xác nhận là giả. Mới đây, họa sĩ Phạm Hà Hải phát hiện một bức tranh ghi tên mình khi Nhà đấu giá Pi đưa thông tin về tranh đấu lên mạng. Nhà đấu giá sau đó rút tranh xuống ngay và xin lỗi vì sơ suất. Họa sĩ Đặng Xuân Hòa cũng từng phát hiện tranh giả của mình khi Nhà đấu giá Chọn đăng thông tin tranh sắp đấu.
Đã có tác phẩm khi đem ra đấu giá bị nghi ngờ là tranh giả nhưng vẫn giao dịch thành công. Đó là trường hợp Phố cũ của Bùi Xuân Phái được Chọn đưa lên sàn. Lúc đó đã có những nghi vấn đặt ra dựa trên việc từng có 2 tác phẩm mang tên Phố cũ xuất hiện năm 2006 trong phiên đấu giá của Sotheby’s tại Singapore và năm 2014 của nhà Christie’s (Hồng Kông). Tại thời điểm nghi vấn, Chọn cũng không thể đưa ra chứng cứ khẳng định bức tranh lên sàn của mình thật đến đâu.

Việc rửa tranh này không chỉ qua các sàn đấu giá mà còn việc xuất bản sách. Tranh giả được in vào sách tuyển tập, rồi được một số người coi là tranh thật. Nó đã diễn ra hàng chục năm nay rồi, âm thầm và phức tạp

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm

Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT-DL), cho rằng việc đưa thông tin lên sàn đấu giá như thế rất lỏng lẻo về pháp lý. “Suy cho cùng vẫn không có cơ sở pháp lý để tin đó có phải là tranh thật của tác giả đó không. Về bản chất chỉ dựa vào niềm tin”, ông Thái nói.
Luật sư Lê Quang Vinh, Hãng luật Bross and Partners, cho biết không có chuyện tranh không có giấy tờ bỗng trở thành có lý lịch pháp lý rõ ràng, được xác nhận là tranh thật chỉ sau khi qua thẩm định viên mà nhà đấu giá mời. “Vì bản chất đơn vị đấu giá chỉ là trung gian, cầu nối giữa người mua và người bán”, ông Vinh nói.
“Ai người ta tin nữa”
Cũng vì thế, theo ông Vinh, nguy cơ “rửa” tranh trên các sàn đấu giá là rất cao. “Khi hỏi đến chứng cứ và hội đồng thẩm định là ai để xác định bức tranh được mang đấu giá là thật, thì nhà đấu giá lại từ chối. Nhưng như thế thì nhà đấu giá chỉ tự làm giảm giá trị sàn đấu giá của mình đi thôi. Ai người ta tin nữa”, ông Vinh nói.
Ông Nguyễn Minh, một nhà sưu tập tranh thường xuyên dự các phiên đấu giá ở nước ngoài của Sotheby’s, cho biết: “Hồ sơ, lý lịch tranh đầy đủ. Có tranh nêu công khai chuyên gia thẩm định, có tranh không. Tôi cũng chưa hỏi lại về nguồn gốc bao giờ nhưng nếu hỏi người thẩm định thì chắc các nhà đấu giá cũng nói”.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), cho rằng qua các sự việc tranh giả - tranh thật gần đây có thể thấy nguy cơ “rửa” tranh. “Việc rửa tranh này không chỉ qua các sàn đấu giá mà còn việc xuất bản sách. Tranh giả được in vào sách tuyển tập, rồi được một số người coi là tranh thật. Nó đã diễn ra hàng chục năm nay rồi, âm thầm và phức tạp”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành: “Nếu giờ muốn làm thì phải nhờ cơ quan công an điều tra mới làm được, vì nó quá dích dắc. Chẳng hạn, ở vụ tranh lụa của Chọn, mọi đối tượng đều phải đặt câu hỏi bức tranh đó đã qua tay những ai, ai là người đã viết tên họa sĩ Vũ Giáng Hương vào đó”.
Theo ông Thành, việc này để lộ ra một lỗ hổng luật pháp. Ví dụ với doanh nghiệp làm trùng tu di tích, họ phải có điều kiện đạt bao nhiêu người có chứng chỉ trùng tu. Như thế, liệu một nhà đấu giá nghệ thuật có cần là một doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện hay không, họ có buộc phải có đội ngũ chuyên gia của mình và công bố danh tính của họ không. “Thông lệ quốc tế là phải công khai”, ông Thành nói.
Về lâu dài, ông Thành cũng cho biết: “Tôi đã làm xong quy chế về hoạt động giám định rồi, đang trình lãnh đạo Bộ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.