Nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine: Bạn đã biết gì?

08/10/2022 13:30 GMT+7

Tổng thống Vladimir Putin , nhà lãnh đạo cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới , đã nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Nga đều có thể dẫn tới việc trả đũa bằng hạt nhân.

Tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo rằng ông sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân để bảo vệ Nga trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

Ông Putin cảnh báo rằng răn đe này không phải là lời nói suông. Mỹ và NATO cũng đang cẩn trọng với lời cảnh báo này.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết: "Bản thân tôi, Tổng thống Joe Biden và chính quyền Mỹ đều thấy rõ rằng thực sự có rủi ro... rằng ông Putin sẽ cân nhắc điều này. Và chúng tôi đã thấy rõ hậu quả sẽ như thế nào. Chúng tôi đã nói đối thoại trực tiếp với Nga về điều đó".

Mối đe dọa hạt nhân

Học thuyết hạt nhân của Moscow cho phép thực hiện một cuộc tấn công sau "hành động gây hấn chống lại Liên bang Nga bằng vũ khí thông thường dẫn đến sự tồn vong của nhà nước bị đe dọa".

Với việc tuyên bố 18% Ukraine là một phần của Nga, mối đe dọa càng tăng lên, vì Điện Kremlin có thể coi bất kỳ cuộc tấn công nào vào các vùng lãnh thổ này là tấn công vào chính Nga.

Một số tờ báo của Anh cho rằng Tổng thống Putin đã lên kế hoạch thử hạt nhân ở biên giới Ukraine. Điện Kremlin bác bỏ thông tin này.

Kho vũ khí nguyên tử

Ông Putin kiểm soát kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, bao gồm thế hệ vũ khí siêu thanh mới và vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ hơn.

Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Nga có 5.977 đầu đạn hạt nhân, theo sau đó là Mỹ với 5.428, Trung Quốc sở hữu 350 đầu đạn, Pháp có 290 và Anh có 225.

Tấn công bằng đường nào?

Vũ khí hạt nhân chiến thuật, thường là một thiết bị hạt nhân được sử dụng trên chiến trường, có sức nổ nhỏ hơn nhiều so với đầu đạn hạt nhân chiến lược.

Loại vũ khí này có thể được phóng từ trên biển, trên không hoặc trên bộ - mặc dù hiệu quả của loại vũ khí này là một vấn đề gây tranh cãi trong giới chuyên gia quân sự.

Ngoài ra, vũ khí có thể được kích nổ ở một khu vực hẻo lánh, không có dân cư hoặc một vùng biển như Biển Đen. Bụi phóng xạ sẽ được giới hạn trong khoảng 800 m.

Phản ứng của phương Tây

Tổng thống Biden tuyên bố: "Mỹ đã chuẩn bị đầy đủ để bảo vệ từng cm lãnh thổ NATO, từng cm một. Vì vậy, ông Putin đừng hiểu nhầm những gì mà tôi đang nói. Bảo vệ từng cm một".

NATO và Mỹ chưa công khai chi tiết cách họ sẽ đáp trả cuộc tấn công hạt nhân của Nga vào Ukraine, nhưng Washington cho biết họ đã cảnh báo cho Moscow về "hậu quả thảm khốc" sẽ xảy ra sau đó.

Các phương án bao gồm phản ứng phi quân sự, phản ứng quân sự thông thường kéo theo Washington và NATO vào cuộc chiến trực tiếp với Moscow, hoặc một cuộc tấn công hạt nhân có nguy cơ leo thang nghiêm trọng và tức thì.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: "Thông điệp của chúng tôi là bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào đều hoàn toàn không thể chấp nhận được, nó sẽ thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc xung đột và Nga phải biết rằng không bao giờ thắng trong cuộc chiến hạt nhân và không bao giờ được tiến hành nó".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.