Nguy cơ suy thận, teo cơ do bỏ cơm, ăn thịt

10/12/2024 12:59 GMT+7

Loại bỏ hoàn toàn tinh bột, tăng tiêu thụ đạm thịt để giảm cân và duy trì cân nặng là sai lầm, sẽ gây phản tác dụng, gây mất cơ, suy thận.

Kiểm soát lượng đường bột nhưng không bỏ cơm

"Loại bỏ hoàn toàn tinh bột, tăng tiêu thụ đạm thịt để giảm cân và duy trì cân nặng đưa đến một khẩu phần ăn mất cân đối. Khi khẩu phần thiếu glucid, cơ thể sẽ phải chuyển hóa glucogen dự trữ trong gan, cơ hoặc chuyển hóa protein thành glucose", tiến sĩ - bác sĩ Bùi Mai Hương (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết tại buổi sinh hoạt chuyên đề về xu hướng sử dụng thực phẩm và đồ uống giảm đường, tổ chức tại Nghệ An hôm nay 10.12.

Nguy cơ suy thận, teo cơ do bỏ cơm, ăn thịt- Ảnh 1.

Bác sĩ Bùi Mai Hương lưu ý mối liên quan của tiêu thụ đường quá mức và không ăn cơm và nguy cơ với sức khỏe

ẢNH: LIÊN CHÂU

Theo bác sĩ Hương, trong dinh dưỡng hàng ngày, không nên tách rời bột đường vì cơ thể cần được cung cấp đầy đủ, cân đối về tỷ lệ với 3 trụ cột sinh năng lượng là béo, đạm, đường bột.

"Việc loại trừ bột đường gây mất cân bằng năng lượng, khiến cơ thể phải chuyển hóa từ đạm dự trữ, gây bị mất cơ. Còn nếu dùng quá cao lượng đạm gây quá tải chức năng thận, có thể suy thận cấp", bác sĩ Hương lưu ý.

Bí quyết giảm đường trong thực phẩm

Bác sĩ Bùi Mai Hương cũng cho biết, đường là một phần trong khẩu phần ăn, nhưng cần được sử dụng hợp lý, theo khuyến nghị. Bởi sử dụng đường quá mức liên quan 45 bệnh lý (răng miệng; đái tháo đường; béo phì; biến chứng hôn mê tăng đường huyết; bệnh tim, các vấn đề về khớp, huyết áp cao…).

Chuyên gia Viện Dinh dưỡng cho hay, các sản phẩm có đường cao, nhưng vị ngọt "ẩn", dễ bị nạp nhiều, như: trà sữa (1 ly có khoảng 40 - 50 mg đường/ngày, đạt mức nhu cầu khuyến nghị). Hoặc các loại nước chấm (có loại nước mắm chấm ốc, chấm món cuốn, có ít nhất là 20% thể tích là đường; một số loại nước chấm lượng đường chiếm 40 thể tích). Một số loại nước xốt có sử dụng sữa đặc với  lượng đường cao, với 50 - 55% đường/100 gram sản phẩm. Các món như thịt kho, sườn chua ngọt; các sản phẩm xốt chua ngọt cũng chứa đường.

Để có các sản phẩm ngọt lành mạnh, bác sĩ Hương cho rằng, các nhà sản xuất thực phẩm nên giảm lượng đường tinh luyện, dùng các chất ngọt thay thế và có nguồn gốc thiên nhiên như trái cây.

Đại diện Viện Dinh dưỡng TH (Tập đoàn TH) cho hay, theo các khảo sát mới nhất, người tiêu dùng hiện đại đang có xu hướng lựa chọn sản phẩm giảm đường bổ sung, sẵn sàng thay thế các sản phẩm "nuông chiều cơ thể" có vị ngọt cao bằng các sản phẩm giảm đường, có lợi cho sức khỏe.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.