Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn nguy hiểm và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Bệnh có biểu hiện ở nhiều cơ quan bao gồm đau khớp, viêm khớp, phát ban, viêm màng phổi hoặc viêm màng ngoài tim, tổn thương thận hoặc tổn thương hệ thống thần kinh trung ương... Trong đó, tình trạng viêm khớp rất thường gặp ở những người bị bệnh lupus với triệu chứng đau, sưng nóng, hạn chế vận động các khớp.
Bệnh nhân (BN) nói trên được phát hiện bệnh lupus ban đỏ hệ thống từ năm 2019, điều trị tại một bệnh viện (BV) tuyến T.Ư. Tuy nhiên khoảng 4 tháng nay, BN đau khớp háng 2 bên gây hạn chế vận động cả 2 chân. Mức độ đau tăng dần, khớp háng 2 bên viêm dính khiến BN đau không thể đi, không thể ngồi được bằng xe lăn, phải nằm di chuyển bằng giường cáng.
Tại BV Hữu nghị Việt Đức, qua khám lâm sàng và kết quả chụp chiếu kỹ lưỡng, các bác sĩ chẩn đoán BN bị viêm dính, thoái hóa khớp háng 2 bên.
BN đã được PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó giám đốc BV, trực tiếp phẫu thuật thay khớp háng toàn phần đồng thời 2 bên với kỹ thuật ít xâm lấn, đường mổ rất ngắn (vết mổ 4 - 5 cm). Cuộc mổ áp dụng gây tê tủy sống và giảm đau ngoài màng cứng, giúp giảm đau, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng và chăm sóc hậu phẫu dễ dàng hơn. Ca mổ thành công sau 1 giờ phẫu thuật. 1 ngày sau mổ BN đã có thể ngồi dậy được, sau 2 ngày phẫu thuật BN có thể tập đi sớm với sự hỗ trợ của nạng/khung trợ đỡ, và được xuất viện sau 1 tuần để tiếp tục tập luyện phục hồi chức năng tích cực.
Theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh, trường hợp trên là ca bệnh khó do BN đến viện trong tình trạng gần như tàn phế, không thể tự đi lại, chỉ nằm trên cáng. Với BN này, bệnh lupus ban đỏ diễn biến đã lâu, bắt đầu ảnh hưởng đến các cơ quan khác như: thiếu máu mạn tính, có dịch màng ngoài tim, chất lượng xương kém do loãng xương, hệ thống cơ chi dưới teo, cơ lực kém… Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo đồng thời 2 bên giúp người bệnh giảm thiểu các nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng tim, phổi, gan, thận, giúp vận động sớm, rút ngắn thời gian phục hồi và nằm viện.
Các chuyên gia cũng lưu ý nhờ kỹ thuật phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, nhiều bệnh nhân được phục hồi chức năng khớp háng, có thể trở lại sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, để đạt kết quả tốt nhất sau phẫu thuật này, ngoài kỹ thuật mổ tốt, việc luyện tập, phục hồi chức năng sau mổ rất quan trọng. BN có thể tự tập sau mổ với sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
Bình luận (0)