Nguy cơ tăng giá điện bình quân sớm

28/03/2024 07:00 GMT+7

Quyết định 05/2024 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần, giá điện được tính thêm các khoản lỗ trước đây của ngành... khiến người tiêu dùng lo ngại giá điện có nguy cơ tăng mạnh ngay trong những tháng cao điểm.

Tăng trước, lập báo cáo Bộ sau

Ngày 26.3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 05/2024 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, thay thế cho Quyết định 24/2017. Quyết định mới có hiệu lực từ ngày 15.5 tới.

Đáng lưu ý, quyết định mới quy định thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Theo đó, trước ngày 25 tháng đầu tiên của quý 2, quý 3, quý 4 năm nay, EVN phải xác định sản lượng điện thương phẩm thực tế của quý trước và tổng sản lượng điện thương phẩm cộng dồn từ đầu năm, ước sản lượng điện thương phẩm các tháng còn lại trong năm; xác định các chi phí phát điện của quý trước liền kề, chi phí phát điện cộng dồn từ đầu năm. Trong đó, bao gồm chi phí mua điện từ các nhà máy cung cấp dịch vụ phụ trợ, ước chi phí khâu phát điện các tháng còn lại trong năm, cập nhật các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện để tính toán lại giá bán điện…

Nguy cơ tăng giá điện bình quân sớm

Về thẩm quyền điều chỉnh khi giá bán điện bình quân, Quyết định 05 cho phép với mức giảm từ 1% trở lên so với giá hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm tương ứng. Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5%, EVN sẽ được điều chỉnh. Với mức tăng từ 5% đến dưới 10%, EVN được phép điều chỉnh tăng tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận. Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan.

Nguy cơ tăng giá điện bình quân sớm- Ảnh 1.

Từ ngày 15.5, EVN được phép tăng giá điện bình quân hằng quý

ĐÀO NGỌC THẠCH

Đáng chú ý, tại điều 4 của Quyết định 05, quy định "tổng các chi phí khác chưa được tính vào giá điện, là các khoản chi phí được phép tính nhưng chưa tính vào giá điện, bao gồm cả chênh lệch tỷ giá đánh giá lại chưa được phân bổ, được tính toán phân bổ vào giá bán điện bình quân năm nay".

Nghĩa là các khoản lỗ của EVN trong những năm trước sẽ được tính vào giá điện bình quân từ ngày 15.5 tới. Năm 2023, mặc dù có 2 lần tăng giá điện bình quân, tổng mức tăng 7,5%, song kết năm, EVN vẫn còn lỗ 17.000 tỉ đồng, riêng công ty mẹ báo lỗ 24.595 tỉ đồng. Năm 2022, khoản lỗ của công ty mẹ được công bố là 26.499 tỉ đồng và toàn tập đoàn lỗ 20.747 tỉ đồng do giá nhiên liệu cho sản xuất điện, tỷ giá tăng. 

 Không dễ thực hiện

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long nhận xét, tuy Quyết định 05 được xây dựng trên tham vấn, báo cáo từ EVN, do Bộ Công thương soạn thảo, song thực tế cho thấy, rất khó thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định này. Bởi việc cho phép EVN được quyền tăng giá điện bình quân từ 3% đến dưới 5%, tăng trước báo cáo Bộ Công thương để phối hợp kiểm tra, giám sát sau theo hình thức "hậu kiểm" sẽ dễ xảy ra các yếu tố gây bất lợi cho người tiêu dùng. 

"Chỉ trong 5 ngày làm việc, liệu Bộ Công thương có kịp để phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nhằm kiểm tra, giám sát việc tăng giá điện của EVN không? Ngay cả quy định 3 tháng điều chỉnh 1 lần, ngành điện có đủ thời gian để hạch toán toàn ngành về các chi phí để quyết định tăng không? Tôi e là sẽ rất cập rập và khó thực hiện. Cũng cần nói thêm, tại Quyết định 24/2017, cho phép EVN tăng 3% giá điện bình quân, nhưng đơn vị không triển khai thực hiện được. Nay lùi về 3 tháng, mọi thứ sẽ cập rập hơn nhiều. Ngoài ra, về nguyên tắc, đã giao cho một đơn vị độc quyền bán điện, lại cho phép được quyền tăng giá bán, kiểm "tiền trảm hậu tấu", dù biên độ tăng thấp, cũng không nên. Bởi nó gây bất lợi cho người tiêu dùng".

Về công thức tính giá điện bình quân được cộng thêm các khoản lỗ và chênh lệch tỷ giá trước đây, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, những khoản lỗ mang tính khách quan sẽ được đưa vào trong công thức tính giá điện bình quân. Còn các khoản lỗ mang tính chủ quan, chẳng hạn tổn thất điện năng, năng suất lao động kém, công tác quản trị kém dẫn đến hao hụt, thất thoát, tổn hại nguồn sản xuất, chi phí đầu tư… thì không được tính vào giá bán điện bình quân được. 

"Nếu cứ cho người tiêu dùng cõng hết khoản lỗ lã của ngành thì giá điện bình quân chắc phải tăng nhiều lần liên tục mới kham nổi. Người tiêu dùng không thể "cõng" cho những sai phạm của ngành, của cơ quan quản lý khi trả tiền mua điện được", chuyên gia này nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.