Theo đánh giá của ngành du lịch TP.Đà Nẵng, chính sự tăng trưởng nhanh của các doanh nghiệp du lịch (DNDL) thời gian gần đây đã tạo ra nhiều biến động đối với nhân lực du lịch.
Sinh viên ngành du lịch thực tập nghiệp vụ tại một khách sạn - Ảnh minh họa N.C |
Đa phần các DNDL cho biết họ đang thiếu hụt nghiêm trọng các vị trí quản lý khách sạn, trưởng các bộ phận tiền sảnh, buồng, bàn, bếp... được đào tạo nghiệp vụ và quan trọng hợn cả là có kinh nghiệm thực tế.
Theo kết quả khảo sát nguồn nhân lực du lịch tại Đà Nẵng trong năm 2015, ước có khoảng 25.000 lao động. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ đạt trên 33.000 lao động. Nghĩa là trong 5 năm tới, con số này sẽ tăng khoảng 8.000. Trong khi đó, 26 cơ sở đào tạo các ngành nghề liên quan đến du lịch tại Đà Nẵng cho ra trường hơn 6.000 lao động/năm. Như vậy về số lượng không thiếu, vậy vấn đề chính là chất lượng nhân lực du lịch được đào tạo tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiền, Giám đốc nhân sự Intercontinental Đanang Sun Peninsula Resort, cho biết suốt 2 năm qua DN này không tuyển được nhân sự tại địa phương do không đáp ứng được nhu cầu: “Cái chúng tôi cần là hãy dạy cho các em kỹ năng, trang bị cho các em tố chất của một người làm du lịch, dịch vụ. Đó là biết chủ động chào hỏi, biết cúi nhặt rác nếu thấy rác dưới chân, chủ động tiếp xúc và yêu cầu người khác cho mình được phục vụ... Vì sao chúng tôi không thể tiếp nhận sinh viên các trường? Là vì thời gian của các bạn quá thiếu linh động, quá thiếu thực tế. Các bạn chỉ thực tập hơn 2 tháng. Nên đề nghị các trường tăng thời gian thực tập, có thể linh động ghép với thời gian thực hành có giáo viên quản lý tại các DNDL”.
Trong khi các DNDL than phiền về chất lượng nhân lực du lịch, dịch vụ thì các cơ sở đào tạo lại cho biết không gian thực tập, máy móc thực hành hiện đại là cả vấn đề đối với các cơ sở đào tạo. “Cả Đà Nẵng chỉ có 1, 2 máy pha cà phê hiện đại nhất, chỉ có resort 5 sao mới trang bị được thì lấy đâu ra cho sinh viên thực tập, nếu có cũng không dễ gì chạm vào. Rồi các máy móc hỗ trợ làm bánh, pha chế, cho đến phầm mềm quản lý... chúng tôi không thể chạy theo kịp DN”, ông Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Việt Úc cho biết.
Chưa hết, ông Sinh cũng công nhận chính các giảng viên cũng thiếu kinh nghiệm thực tế thì lấy đâu ra mà trang bị cho sinh viên. “Chúng tôi khuyến khích các giảng viên làm bán thời gian cho các DNDL để họ năng động hơn, tăng cường kinh nghiệm và đặc biệt là truyền cảm hứng làm việc thực tế cho sinh viên”, ông Sinh nói.
Theo các chuyên gia du lịch thì 5 năm trở lại đây, ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng, VN nói chung có bước chuyển mình đáng kể trong khu vực, khiến cho vấn đề nhân lực du lịch phải được đánh giá lại. Đây là ngành đặc thù, không phải cứ học ra là làm được vị trí như mong muốn mà phải tiến từng bước bằng chính thời gian tích lũy kinh nghiệm.
“Nhưng quan ngại nhất vẫn là khi các nước trong khu vực ASEAN tiến đến Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch thì lao động các nước sẽ tự do đến và làm việc trên đất nước mình. Nguy cơ con em chúng ta thất nghiệp ngay trên mảnh đất của mình là rất lớn và rất đau”, ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng nói đầy tâm tư.
Bình luận (0)