Tựa game có tên Evolved Apes được mô tả ở sàn giao dịch OpenSea (chuyên về NFT) là một bộ sưu tập gồm hơn 10.000 NFT độc đáo, “bị mắc kẹt trong vùng đất không luật pháp” và phải “chiến đấu để sinh tồn”. Ở đó, chỉ có con khỉ (Ape) mạnh nhất mới giành được ưu thế. Được mở bán công khai từ 24.9.2021, game NFT này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, được kỳ vọng là trò chơi đối kháng kịch tính của nền tảng đang “hot” này.
Nhân vật NFT trong Evolved Apes |
Ảnh chụp màn hình |
Tuy vậy, vẫn có một số người cảnh giác trước món “bánh vẽ” vì nhận thấy nhiều dấu hiệu không chuyên nghiệp cùng sự biến mất dần dần đầy đáng ngờ của các lãnh đạo thuộc dự án. Những lo ngại này không phải vô căn cứ khi chỉ hơn một tuần sau khi gây quỹ, nhà phát triển của Evolved Apes đã biến mất. Tài khoản Twitter cũng như website của đơn vị này cũng “không cánh mà bay”. Những gì còn để vết lại trên chuỗi blockchain là bằng chứng nhà phát triển đã rút 798 Ethereum (ETH), tương đương hơn 2,7 triệu USD ở thời điểm đó nhưng lúc này đang có giá trên 3 triệu USD.
Những người đã bỏ tiền mua vật phẩn NFT từ dự án đều không nhận được thứ mình muốn, còn các nghệ sĩ vẽ cho game cũng không được trả tiền công.
Trước tình cảnh này, cộng đồng chơi Evolved Apes đã bắt đầu kế hoạch phát triển tiếp dự án thay vì bỏ đi. Trên OpenSea (nơi dự án được xác nhận), hoạt động giao dịch liên quan đến tựa game vẫn diễn ra. Kể từ thời điểm phát hiện vụ biến mất, sàn vẫn ghi nhận hơn 570 giao dịch mua bán NFT, đạt tổng giá trị 13,9 ETH (gần 50.000 USD).
Các cảnh báo về câu chuyện đầu tư vào game NFT giống như chơi một con dao hai lưỡi không phải chưa từng xuất hiện, nhưng vì lợi nhuận lớn và chào mời quảng bá thu hồi vốn nhanh chóng, nhiều nhà đầu tư tự phát, nhỏ lẻ vẫn lao vào cuộc chơi này.
Tại Việt Nam, phong trào game NFT cũng đang bắt đầu được triển khai, và trong thời gian gần đây đang có những tựa game như Sipher, My DeFi Pet, Faraland, HeroVerse cũng đang kêu gọi mọi người tham gia.
Đa số các game này đều được xây dựng với hệ thống tạo các nhân vật, vũ khí, trang phục,... để mọi người giao dịch và tạo lợi nhuận. Tuy nhiên, để mua các vật phẩm này cần phải bỏ tiền thật vào.
Nhiều game "quảng cáo" cách kiếm tiền từ việc giao dịch các vật phẩm |
Ảnh chụp màn hình |
Theo một chuyên gia, có những dấu hiệu lừa đảo nhất định mà người chơi dễ dàng nhận biết được rủi ro đang chờ đợi mình trước khi tham gia. “Một nhà phát triển tung ra nhiều tựa game cùng lúc, và mỗi game lại dùng một token khác nhau rõ ràng là điều nên nghi vấn. Ngoài ra, hình thức game sinh ra với mục đích lừa đảo thường có dấu hiệu đang nhái lại những trò chơi đứng đầu của thị trường. Ví dụ, Evolved Apes làm theo Bored Apes”, chuyên gia chia sẻ.
Một số yếu tố khác cũng cần phải đặt lên bàn nghi vấn như đội ngũ phát triển toàn người chơi kiếm tiền trực tuyến dạng đa cấp, hoặc thuộc các nhóm phát triển, nhóm marketing không rõ ràng (như trường hợp của Evolved Apes có nhóm phát triển không rõ ràng thông tin). Những người làm NFT nhưng có phát biểu định hướng “thay đổi cuộc sống người nghèo”, để đời sống tốt đẹp hơn… cũng thường không minh bạch.
Bình luận (0)