Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới ở Ukraine

05/11/2022 19:33 GMT+7

Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới ở Ukraine đang hiện hữu sau các cuộc tấn công ồ ạt vào hệ thống hạ tầng năng lượng và nước sạch gần đây.

Trong suốt 2 tuần qua, quân đội Nga đã tăng cường sử dụng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) để tấn công các cơ sở hạ tầng năng lượng và nước ngọt của Ukraine nhằm trả đũa cuộc tấn công vào cầu Crimea hồi đầu tháng 10 vừa qua.

Các cuộc tấn công này được cho là làm gián đoạn mạng lưới điện trên khắp các vùng rộng lớn của Ukraine, khiến nhiều khu vực không được tiếp cận với nguồn điện, nhiệt và nước sạch. Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới ở Ukraine đang đến gần hơn bao giờ hết.

Người dân thành phố Mykolaiv, Ukraine hứng nước ngọt vào chai để sử dụng vì đường ống cấp nước chính của thành phố bị hư hỏng

Reuters

Thiếu điện và nhiệt trầm trọng

Từ các thị trấn gần chiến tuyến đến các tòa nhà cao tầng ở thủ đô Kyiv, người dân Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng mất điện, thiếu năng lượng và nước sạch trên diện rộng, mạng lưới thông tin liên lạc bị hỏng và một số thành phố chìm trong bóng tối. Ước tính hàng triệu người Ukraine đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, kể từ ngày 10.10, các cuộc tấn công của Nga đã phá hủy 30% các nhà máy điện của Ukraine, gây ra tình trạng mất điện lớn trên diện rộng khắp cả nước. Bộ trưởng Bộ Phát triển Cộng đồng và Lãnh thổ Ukraine Oleksii Chernyshov thông tin thêm rằng trong đợt pháo kích vừa qua, có tới 45 cơ sở năng lượng của Ukraine bị tấn công, bao gồm các nhà máy năng lượng nhiệt, tạo ra hơi nước để sưởi ấm các ngôi nhà và cơ sở kinh doanh.

Xem nhanh: Ngày 254 chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine có diễn biến gì nóng?

Ông Yuriy Sak, Cố vấn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, cho biết khoảng 30% cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã bị hư hại và chính phủ đang làm mọi cách để đảm bảo hệ thống điện được sửa chữa nhanh chóng. Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Kyrylo Tymoshenko phát biểu với Đài truyền hình Ukraine rằng: “Hiện nay, tình hình trên toàn quốc đang rất nghiêm trọng và cả nước cần chuẩn bị cho tình trạng mất điện, nước và hệ thống sưởi”.

Bộ Năng lượng Ukraine cho biết họ đã mất 50% sản lượng nhiệt điện - than. Hơn thế nữa, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, cung cấp 20% sản lượng điện của Ukraine, hiện nằm trong tay các lực lượng Nga.

Theo tuyên bố của Ukrenergo, Công ty nhà nước quản lý hệ thống điện quốc gia Ukraine, ngày 22.10 vừa qua là ngày tàn khốc nhất khi cuộc tấn công của 30 tên lửa Nga khiến toàn bộ 10 tỉnh của Ukraine mất điện và nguồn cung cấp nước nóng cho người dân bị gián đoạn.

Thủ đô Kyiv chìm trong bóng tối vì cúp điện ngày 24.10

Reuters

Hiện các thành phố đang giảm mức tiêu thụ điện của các tòa nhà, phương tiện giao thông công cộng và chiếu sáng đô thị. Ở một số thành phố như Zhytomyr, việc cắt điện diễn ra vào một số thời điểm nhất định vào những ngày nhất định trong tuần. Người dân cũng được yêu cầu tiết kiệm điện, nước; các doanh nghiệp cũng tắt các bảng hiệu, bảng quảng cáo vào ban đêm, các nhà hàng, quán ăn giảm bớt nhu cầu tiêu thụ điện không cần thiết. Các nhà chức trách tiếp tục yêu cầu người dân phải tích trữ các thiết bị chống lạnh như túi ngủ, quần áo giữ nhiệt, máy phát điện chạy bằng dầu diesel.

Bộ trưởng Chernyshov phải thừa nhận rằng mùa đông sẽ rất khó khăn. "Chúng tôi đã không chuẩn bị sẵn sàng, chúng tôi không lường trước được một cuộc tấn công quy mô nhằm vào mạng lưới năng lượng", ông nói.

Tại một khu phố ở ngoại ô phía bắc thành phố Chernihiv, người dân cho biết đã có vài ngày liên tiếp điện bị tắt từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối để tiết kiệm năng lượng. Tại trung tâm thành phố Zhytomyr, xe đẩy điện và xe điện buộc phải ngừng hoạt động vì không có điện. Trong khi đó, các bệnh viện phải chạy máy phát dự phòng khẩn cấp để hoạt động.

Ở Kyiv, thông thường mùa sưởi đáng lẽ đã bắt đầu từ hơn nửa tháng trước nhưng chính quyền thành phố cho biết mùa sưởi năm nay sẽ bắt đầu muộn hơn và kết thúc sớm hơn do thiếu khí đốt, than đá và điện.

Đài CNBC nhận định dường như Nga đang tăng cường nhắm mục tiêu vào các cơ sở và hệ thống năng lượng của Ukraine. Các chuyên gia cũng lo ngại thời gian tới Nga sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu là các cơ sở hạ tầng trọng yếu khác của Ukraine và dân thường có thể dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết, nhất là khi mùa đông lạnh giá đang cận kề.

Tiến sĩ Hans Henri P. Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu, cảnh báo việc cơ sở hạ tầng bị phá hủy dẫn đến khả năng tiếp cận nhiên liệu hoặc điện là bất khả thi, sẽ có thể trở thành vấn đề sinh tử nếu các ngôi nhà không được sưởi ấm vào mùa đông. Đồng quan điểm, ông Denise Brown, Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc về Ukraine, cho biết nguy cơ tử vong cao trong những tháng mùa đông là rất lớn khi cơ sở hạ tầng dân sự bị phá hủy.

Người dân Ukraine sẵn sàng đèn pin, nến khi Nga dồn dập tấn công hạ tầng năng lượng

“Vũ khí hóa” nước ngọt

Một vấn đề quan trọng, ít được đề cập trên các phương tiện truyền thông lâu nay và công chúng ít quan tâm là vai trò của nước ngọt trong cuộc chiến Nga - Ukraine, cũng như tác động của cuộc chiến này với nguồn nước và cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Trong cuộc chiến này, nước vừa là mục tiêu vừa là vũ khí. Chỉ 3 ngày sau khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”, các lực lượng Nga đã phá hủy một con đập ở khu vực Kherson của Ukraine. Tại Mariupol, một thành phố ở đông nam Ukraine, binh lính Nga đã đóng nguồn cung cấp nước địa phương như một phần cuộc bao vây và sau đó đã chiếm được thành phố này.

Người dân ở Mykolaiv xách can đi lấy nước uống ngày 16.10

Reuters

Thời gian qua, cơ sở hạ tầng lọc nước, phân phối nước và xử lý nước thải của Ukraine cũng đã phải hứng chịu một loạt các cuộc tấn công dữ dội, cắt đứt việc tiếp cận với nguồn nước an toàn của hàng triệu dân thường, làm giảm khả năng tiếp cận năng lượng cần thiết để vận hành hạ tầng cấp thoát nước dân dụng cơ bản.

Theo hãng tin Reuters, thành phố Mykolaiv ở miền Nam Ukraine, một trung tâm đóng tàu và nơi sinh sống của nửa triệu người, lại không có nước ngọt trong 6 tháng qua. Người dân phải đến các điểm phân phối nước trên toàn thành phố để lấy nước vào chai hoặc thùng nhựa. Chính quyền thành phố cũng đã phải bơm nước mặn để khơi thông cống rãnh và để người dân sử dụng giặt quần áo, vệ sinh. Tuy nhiên, hậu quả là đường ống dẫn nước của thành phố bị ăn mòn và nguy cơ phải thay thế toàn bộ hệ thống đường ống nước là không tránh khỏi, trong khi đó chi phí khổng lồ và thành phố lại không thể kham nổi.

Bệnh viện phụ sản Kyiv sẵn sàng đối phó mất điện giữa mùa đông

Ông Borys Dydenko, người đứng đầu mảng cấp nước của thành phố Mykolaiv, tin rằng người Nga đã đóng các điểm nước ngọt để trả đũa việc làm tương tự của Ukraine đối với Crimea vào năm 2014. Tuy nhiên, phía Nga vẫn chưa lên tiếng về vấn đề này.

Trong khi đó, tại thủ đô Kyiv, nhà chức trách khuyến cáo người dân không uống nước máy vì bị ô nhiễm do các cuộc không kích. Nhiều nơi người dân phải xếp hàng dài trước các cửa hàng để đổ đầy nước ngọt vào các chai. Thậm chí, ở một số tòa nhà cao tầng, áp lực nước thấp đến mức chỉ có một số tầng đầu tiên là có nước sinh hoạt.

Các nhà quan sát đánh giá, việc nhắm đến các cơ sở hạ tầng nước của Ukraine được coi là một chiến thuật hiệu quả, tạo lợi thế trên thực địa. Hơn nữa, việc tiếp cận nguồn nước bị chặn, hoặc sự ô nhiễm nguồn nước do hậu quả của việc pháo kích vào cơ sở hạ tầng như các địa điểm hóa chất, cũng có thể gây thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế của Ukraine.

Nhà khoa học Peter Gleick tại Viện Thái Bình Dương (Mỹ) nhận định Nga đã “vũ khí hóa” nước ngọt ngay từ đầu cuộc chiến này khi nhắm đến hạ tầng cấp nước của Ukraine, từ các con đập đến hệ thống xử lý nước và nước thải. Hơn nữa, việc “vũ khí hóa” nước đặc biệt gây hậu quả nghiêm trọng đối với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp và thủy lợi như Ukraine.

Tình trạng thiếu điện, nước và nhiệt trầm trọng hoặc nơi trú ẩn ở Ukraine có thể buộc nhiều người phải chạy sang các nước láng giềng như Ba Lan, Moldova và Romania, tạo ra một làn sóng di cư mới ở châu Âu.

Người Ukraine trên đường di tản sang Ba Lan hồi tháng 3.2022

UNICEF

Tại Ba Lan, người ta ước tính số người tị nạn mới từ Ukraine có thể dao động từ 500.000 đến 750.000 người trước cuối năm nay, một nửa ở Ba Lan trong khi số còn lại di chuyển sang các nước châu Âu khác. Tại Moldova, dự kiến ​​sẽ có 40.000 người tị nạn mới trong mùa đông, ngoài 90.000 người tị nạn trước đó.

Thiếu điện, thiếu nước, người dân Kharkiv sẽ cầm cự thế nào trong mùa đông sắp tới?

Có thể thấy, các cuộc tấn công của Nga vào các cơ sở hạ tầng năng lượng và nước ngọt của Ukraine trong thời gian qua khiến hàng triệu người không được tiếp cận với nguồn điện, nước sạch và hệ thống sưởi; đồng thời báo hiệu một giai đoạn mới trong cuộc chiến. Tình trạng hiện nay ở Ukraine có thể khiến hàng nghìn người trên khắp Ukraine phải di rời trong mùa đông này, dẫn đến nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới đang rất gần và khiến cho triển vọng về các cuộc đàm phán hòa bình ngày càng xa vời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.