Nguy cơ Việt Nam thành bãi thải của thế giới

12/07/2018 14:15 GMT+7

Tổng cục trưởng Tổng Cục Môi trường cảnh báo, từ cuối 2017, Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu khiến nhiều nước phát triển tìm kiếm thị trường mới, và Việt Nam đang đứng trước nguy cơ trở thành bãi thải của thế giới.

Sáng nay 12.7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp liên ngành tìm giải pháp xử lý phế liệu tồn đọng tại các cảng biển.
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết từ cuối năm 2017, Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế, gồm: 8 loại phế liệu nhựa nguồn gốc sinh hoạt, 11 loại phế liệu dệt may, 4 loại phế liệu quặng và 1 loại phế liệu giấy.
Việc này khiến các nước thường xuyên xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, một số nước Bắc Âu... sẽ phải tìm đối tác, thị trường nhập khẩu mới như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia... Do đó, một số lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Đây là nguyên nhân chính làm gia tăng các container tại các cảng biển, đặc biệt là phế liệu nhựa thời gian qua. Chưa kể, một lượng lớn hàng phế liệu đã được xếp lên tàu, đang trên đường vận chuyển đến các cảng của nước ta.
Đáng chú ý, theo ông Thức, tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng gấp 2 lần so với khối lượng phế liệu nhập khẩu trong 2016. Trong đó, khối lượng phế liệu sắt, thép, nhựa, giấy, xỉ hạt nhỏ là những loại phế liệu có khối lượng tăng gấp 2 - 3 lần năm 2016.
Riêng trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến, gấp gần 2 lần so với cả năm 2017.
Nguồn gốc nhập khẩu phế liệu vào nước ta chủ yếu là phế liệu sắt, thép nhập từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc;... phế liệu giấy nhập từ Mỹ, Đức, Ý, Nhật Bản;... phế liệu nhựa được nhập khẩu Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản;... phế liệu xỉ cát (xỉ hạt nhỏ) nhập khẩu từ Nhật Bản...
Lãnh đạo Tổng Cục Môi trường cũng cho biết, qua thống kê, tình trạng tồn đọng phế liệu ở các cảng biển đang khá nhiều, đặc biệt là ở TP.HCM, Hải Phòng... Cụ thể, tại Tân cảng Sài Gòn, tính đến hết ngày 26.6 có 4.480 container. Trong đó, riêng cảng Cát Lái là 3.464 container, chiếm phần lớn lượng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển phía Nam, chủ yếu là phế liệu nhựa và giấy.
Ngăn chặn hàng phế liệu ồ ạt tràn vào Việt Nam
Về nguyên nhân chủ quan, ông Thức cho biết, còn nhiều khe hở trong quản lý nhập khẩu phế liệu. Cụ thể, hiện nay chưa có cơ chế phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành và các cơ quan chuyên môn của địa phương trong quản lý vấn đề này.
“Hiện chúng ta chưa có quy định pháp lý để ràng buộc trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với chủ tàu, chủ hãng vận tải biển quá cảnh trong vận chuyển phế liệu nhập khẩu; giấy phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất chưa được quy định là điều kiện bắt buộc trong các hợp đồng, giao dịch kinh tế thương mại giữa doanh nghiệp nhập khẩu, chủ hãng vận tải biển và nhà xuất khẩu nước ngoài. Nên khi có vi phạm về vận chuyển sai hàng hóa là phế liệu nhập khẩu, hoặc vượt quy chuẩn cho phép, hoặc gian lận thương mại, thì không thể xử lý trách nhiệm của chủ tàu, chủ hãng vận tải biển”, ông Thức nói.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cho biết sẽ báo cáo Chính phủ về thực trạng, tình hình, xu thế đối với vấn đề nhập khẩu, sử dụng phế liệu của những nước trong khu vực và nước ta.
Đồng thời, theo ông Hà, cần thiết lập ngay cơ chế trao đổi thông tin giữa các bên liên quan như Bộ Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Công thương, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng... và các cơ quan chuyên môn của địa phương.
Bộ trưởng Hà cũng nhấn mạnh đến việc kiến nghị Chính phủ để ngăn chặn hàng phế liệu tràn ồ ạt vào Việt Nam. Cụ thể, với lô hàng nhập khẩu vào nước ta không chứng minh có giấy phép nhập khẩu thì cương quyết không cho nhập vào, không cho dỡ hàng lên cảng.
Đối với các hãng tàu, cần có văn bản thông báo rõ với các hãng tàu khi vận chuyển phải có đầy đủ các điều kiện, thủ tục, nếu không hãng tàu phải chịu trách nhiệm. Theo ông Hà, đây là biện pháp phòng vệ rất cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.