Giải pháp luẩn quẩn, lúng túng
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM, thắc mắc: “Tại sao lại có quy định 30 ngày? Trong trường hợp ngay chính chủ tàu đồng ý chở rác khỏi lãnh thổ VN thì đây cũng là cái gật đầu miễn cưỡng, bởi họ làm dịch vụ, họ đâu muốn chở không công mà không biết đi về đâu. Hoặc khi họ đã liên hệ với phía quốc gia phát đi lô rác thải đó, thời gian để đàm phán với phía nước ngoài để chở đi, các thủ tục, chờ khi tàu rảnh mới chở bởi đây không phải là lô hàng ưu tiên… thì 30 ngày sao làm kịp? Vậy nếu quá 30 ngày họ chưa kịp chở đi, mình quyết định tiêu hủy thì vô lý quá!”.
Ông Ninh phân tích: Tốn nhiều tiền để xử lý môi trường nên các nước giàu mới mang rác đi “dúi” vào lãnh thổ các nước nghèo. Chưa kể tác hại của môi trường khi xử lý rác phế thải (bằng hình thức đốt chẳng hạn). “Trong quá trình phát triển, chúng ta đã trả giá quá nhiều bằng môi trường bởi trình độ đánh giá hậu quả của chúng ta còn thấp. Hà Nội đang dẫn đầu các thành phố lớn về chỉ số ô nhiễm không khí, đừng gia tăng thêm độ ô nhiễm không khí hít thở bằng việc tiêu hủy rác phế liệu độc hại ngay trên quốc gia mình nữa”, ông Ninh cảnh báo và cho rằng, giải pháp “anh không chở đi sau 30 ngày, tôi tự tiêu hủy” là luẩn quẩn, bế tắc, không lối thoát và chứng tỏ sự lúng túng của chúng ta trong quản lý, điều hành vấn đề phế thải tồn đọng.
Nguy cơ ô nhiễm môi trường trầm trọng
Theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, tội để hủy hoại môi trường với Malaysia còn được coi là tội phản quốc, xử lý rất mạnh. Vì vậy, chúng ta đừng chọn cách làm dễ để lại hậu quả lớn cho môi trường con cháu chúng ta.
|
Tiếp theo sau Philippines, chính quyền Malaysia vào tháng 5 vừa qua cũng tuyên bố trả hơn 3.000 tấn phế liệu nhựa không tái chế cho các nước phát triển. Bộ trưởng Năng lượng - Công nghệ - Khoa học - Biến đổi khí hậu - Môi trường Malaysia khẳng định với Reuters: “Các nước phát triển phải có trách nhiệm với những thứ họ đã chuyển đi” và nêu đích danh ít nhất 14 quốc gia, trong đó có Bangladesh, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Canada, Úc, Anh... trong đợt trả rác này. Cũng trong tháng 5, chính Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte cũng ra lệnh cho chính phủ thuê một công ty vận tải tư nhân để gửi 69 container rác trở lại Canada và để chúng trong vùng lãnh hải của nước này nếu xứ sở lá phong từ chối chấp nhận. Hai quốc gia nói trên được coi là tiên phong, quyết liệt nhất trong chiến dịch “trả rác về cho nhà giàu”. Cập nhật số liệu từ Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 6 năm 2019, cơ quan hải quan các địa phương đã yêu cầu các hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ VN 503 container phế liệu, trong đó có 289 container phế liệu nhựa, 106 container phế liệu giấy, 98 container phế liệu sắt thép… Hiện phế liệu tồn tại các cảng biển trên cả nước là 11.500 container tính đến cuối tháng 7, trong đó lượng phế liệu tồn đọng trên 90 ngày khoảng 7.250 container.
Đáng chú ý, thông tin hơn 500 container phế liệu được các hãng tàu chở khỏi vùng lãnh hải VN được thống kê không nói rõ là số hàng chở đến chưa được dỡ xuống cảng do hải quan chặn ngay từ trên e-manifest vì nghi ngờ, hay lượng phế thải đang tồn đọng tại cảng từ bao năm nay. Theo thông tin chúng tôi có được, số container phế thải được “trục xuất” khỏi bãi phế liệu tồn đọng tại cảng khu vực TP.HCM đếm chưa hết đầu ngón tay. Trong khi đó, cảng biển TP.HCM và Hải Phòng là hai địa phương có số lượng container phế liệu tồn đọng lớn nhất của cả nước.
PGS-TS Phạm Thế Hiện, chuyên gia môi trường Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN, nói thẳng: “Tôi không đồng ý với cách kéo rác, hay nói đúng hơn là giữ rác lại để tự tiêu hủy như phương án các bộ ngành đưa ra. Nhà nhập khẩu khi đã dám nhập loại rác độc hại các nước tránh vào là họ có ý đồ hoàn toàn, thậm chí được trả tiền để chở rác về VN đổ. Các nước làm quyết liệt đến vậy, việc trả rác còn khó khăn, thậm chí không trả được gần như là điều tất yếu. VN chưa làm đã muốn nhận tự xử là chọn giải pháp dễ nhất có thể. Chất độc hại sau tiêu hủy có thể ảnh hưởng đến môi trường của nhiều thế hệ, không chỉ tại thời đại chúng ta đang sống”.
Bình luận (0)