Nguy cơ xâm nhập mặn đang cận kề tại ĐBSCL: Khẩn trương chủ động ứng phó

23/09/2020 19:18 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương nghiên cứu, lựa chọn mô hình kinh tế có hiệu quả tốt hơn để nhân rộng tại các vùng bị xâm nhập mặn giúp người dân ĐBSCL ổn định đời sống, sản xuất.

Chiều 23.9, tại Tiền Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với các tỉnh thành ĐBSCL về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2020 - 2021.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL

ẢNH: BẮC BÌNH

Mặn sẽ gay gắt từ tháng 12.2020

Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN-MT, cho biết năm 2019, mưa ít trên sông Mê Kông là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nước, mặn lấn sâu vào kênh mương nội đồng. Thế nhưng, sau đợt hạn mặn khốc liệt mùa khô năm 2020, bước vào mùa mưa lũ năm nay, lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mê Kông vẫn tiếp tục sụt giảm.
Cụ thể, từ đầu tháng 6.2020, tổng lượng mưa khu vực thượng nguồn Trung Quốc thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 25% và cao hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 10%. Do mưa ít nên mực nước lũ dọc dòng chính sông Mê Kông cũng bị giảm mạnh so với trung bình nhiều năm. Mực nước tại các trạm ở thượng lưu sông Mê Kông thấp hơn trung bình nhiều năm từ 2,5 - 4,0 m; còn ở hạ lưu sông Mê Kông thấp hơn trung bình nhiều năm 3,0 - 5,5 m và thấp hơn cùng kỳ năm 2019 từ 1,3 - 7,2 m. Riêng tại ĐBSCL, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, nguồn nước mặt cũng thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm từ 1,15 - 2,0 m. Trong khi đó, nguồn nước ngầm tại khu vực này có xu hướng giảm theo thời gian.
Trước những diễn biến bất lợi trên, ông Trần Hồng Hà nhận định trong mùa khô 2020 - 2021 sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, xâm nhập mặn sẽ sớm diễn ra và gay gắt nhưng khả năng sẽ không nghiêm trọng như mùa khô vừa qua.
Dự báo nước mặn trong mùa khô sắp tới tại ĐBSCL sẽ xâm nhập từ tháng 12.2020. Nước mặn trên các sông chính như sông Tiền, sông Vàm Cỏ, sông Hậu… đều lấn sâu vào nội đồng.
Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp thủy sản và diện tích cây ăn trái ở ĐBSCL. Ngoài ra, do thiếu hụt nguồn nước dẫn đến mực nước trên sông và các kênh rạch ở mức thấp, nguy cơ cao xảy ra sạt lở bờ sông và các kênh rạch trong thời gian này, đặc biệt là trên các sông chính.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là các khu vực không chủ động về nguồn nước, thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bộ NN-PTNT dự kiến 2 kịch bản về hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL mùa khô 2020 - 2021.
Theo kịch bản 1 (hạn mặn thấp), mức độ hạn mặn tương đương mùa khô 2015 -2016. Còn theo kịch bản 2 (hạn mặn cao), tình hình tương đương mùa khô 2019 - 2020. Từ đó, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn mặn mùa khô 2020 - 2021 tại ĐBSCL cần chủ động cho phù hợp.

Hạn, mặn gay gắt hơn nhưng hậu quả nhỏ hơn

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, cho hay từ vài năm trước, gần như toàn diện tích vùng bán đảo Cà Mau là mặn, nước ngọt tại Cà Mau chủ yếu là nước mưa. Mùa khô năm 2020, hạn mặn gây thiệt hại cho tỉnh hơn 20.000 ha lúa, 18 cống ngăn mặn bị rò rỉ vì sụt lún, thiệt hại đường giao thông trên 1.000 điểm…
Đại diện lãnh đạo các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre… cũng cho biết địa phương đang gặp nhiều khó khăn về nước ngọt trong mùa khô; đồng thời đề xuất T.Ư cần có cơ chế hỗ trợ cho địa phương trong việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt để cung cấp cho người dân.
Nhắc lại những đợt hạn mặn khốc liệt từng xảy ra với vùng ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: “Nhớ lại mùa khô năm 2015 - 2016, nhiều cánh đồng ở miền Tây khô cháy do hạn mặn, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân vùng ĐBSCL, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, trong mùa khô 2019 - 2020, dù hạn mặn xảy ra khốc liệt hơn nhưng mức độ ảnh hưởng đã giảm rất nhiều, chỉ khoảng 7 – 8% so với năm 2015 - 2016. Đó là nhờ sự chủ động của cả người dân và chính quyền địa phương. Do đó, ngay từ bây giờ, chúng ta phải bàn và sớm đưa ra những giải pháp cho mùa khô những năm tới để giảm thiểu thiệt hại do hạn, mặn gây ra".
Trong sáng 23.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã đi khảo sát ảnh hưởng của hạn, mặn và phục hồi cây ăn trái ở H.Cai Lậy (Tiền Giang). Thủ tướng đã thăm hỏi, chia sẻ không khó khăn, thiệt hại mà người trồng sầu riêng ở Tiền Giang phải gánh chịu; đồng thời khen ngợi người dân đã vượt qua khó khăn, phục hồi vườn cây ăn trái. Thủ tướng cũng nhắc nhở người dân và chính quyền địa phương cần chủ động ứng phó với hạn mặn, không để xảy ra thiệt hại lớn, giúp người dân ổn định sản xuất.
Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh các công trình thủy lợi, tập trung thích ứng sản xuất nông nghiệp với biến đổi khí hậu xây dựng được kịch bản nhiễm mặn cho toàn vùng ĐBSCL. Đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành T.Ư tiếp thu đầy đủ các ý kiến đề xuất của các địa phương, sớm nghiên cứu, báo cáo về tính khả thi để kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội xem xét.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các địa phương nghiên cứu, lựa chọn các mô hình kinh tế có hiệu quả tốt hơn để nhân rộng tại các vùng bị xâm nhập mặn giúp dân ổn định đời sống, sản xuất. Trong đó, các giải pháp để có nước ngọt cho dân sử dụng, phục vụ sản xuất trong mùa khô phải được ưu tiên hàng đầu.
Để chú động ứng phó với hạn mặn mùa khô năm 2020 - 2021, ngày 11.9, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2020 - 2021 ở ĐBSCL. Thủ tướng nhấn mạnh: ĐBSCL hoàn toàn có thể ứng phó tốt với nguy cơ hạn mặn. Cần chủ động quy hoạch, bố trí cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện hạn, mặn, không để xảy ra thiệt hại lớn. Thủ tướng khẳng định ĐBSCL vẫn tiến bước trong tình hình hạn mặn và yêu cầu các địa phương không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô 2020 - 2021.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.