Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở ở các vùng núi tỉnh Quảng Nam

18/09/2024 10:42 GMT+7

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương trên địa bàn tỉnh kiểm tra, rà soát, hoàn thiện kịch bản, phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, để chủ động di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn.

Còn hơn 200 tàu cá vẫn hoạt động trên biển

Sáng 18.9, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ rạng sáng nay đã xảy ra mưa vừa trên diện rộng và kéo dài liên tục.

Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam sáng 18.9, từ ngày 18 – 20.9, các địa phương trong tỉnh có nguy cơ xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cường độ mưa to tập trung chủ yếu vào đêm 18 đến ngày 19.9.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở ở các vùng núi tỉnh Quảng Nam- Ảnh 1.

Một điểm sạt lở trên tuyến QL40B đoạn qua huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) trong đợt mưa lớn vừa qua

ẢNH: NAM THỊNH

Tổng lượng mưa các địa phương vùng đồng bằng ven biển phổ biến từ 80 – 120 mm, có nơi trên 150 mm; các địa phương vùng núi phổ biến từ 100 – 200 mm, có nơi cao hơn 250 mm.

Trong 24 giờ tới, vùng biển ven bờ Quảng Nam có mưa rào rải rác và giông, trong cơn giông cần đề phòng xảy ra lốc xoáy, sét và gió giật mạnh.

[CẬP NHẬT BÃO SỐ 4] Áp thấp nhiệt đới tiến nhanh về đất liền, gây mưa rất lớn

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam cũng cảnh báo mưa lớn sẽ có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư.

Trong khi đó, theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, tính đến 5 giờ sáng nay 18.9, Quảng Nam có 206 tàu cá đang hoạt động trên biển.

Cụ thể, trong tổng số 2.576 tàu cá của Quảng Nam với 13.520 lao động, hiện còn 206 tàu với 1.942 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, 144 tàu với 761 lao động hoạt động ở vùng lộng, khu vực Hoàng Sa có 25 tàu với 176 lao động, khu vực Trường Sa có 37 tàu với 1.005 lao động.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã thông báo kêu gọi 13 phương tiện đang hoạt động tại khu vực có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới vào bờ tránh trú, dự kiến hôm nay 18.9 các tàu sẽ vào cảng An Hòa (H.Núi Thành, Quảng Nam).

[CẬP NHẬT BÃO SỐ 4]: Áp thấp nhiệt đới cách Hoàng Sa 180 km

Tạm dừng hoạt động tàu thuyền ra đảo Cù Lao Chàm

Sáng 18.9, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An (Quảng Nam), cho hay để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4, lực lượng chức năng đã yêu cầu tàu thuyền tạm dừng ra đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An).

Theo ông Sơn, các phương án ứng phó với các tình huống thiên tai đã được ban hành. TP.Hội An luôn tăng cường tuyên truyền đến người dân nắm sát diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó, tránh thiệt hại. Riêng với các di tích thì có các phương án chằng chống, bảo vệ.

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công điện khẩn.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung cụ thể để chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của mưa bão…

Cụ thể, tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ để chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai có thể ảnh hưởng đến phạm vi quản lý của ngành, địa phương.

Trong đó, tập trung triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện và các hoạt động trên biển, ven biển. Kiểm tra, rà soát, hoàn thiện kịch bản, phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, để chủ động di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân.

Ngoài ra, canh gác, cảnh báo, kiểm soát, bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, có nguy cơ sạt lở. Kiểm tra công trình đê điều, hồ, đập, cầu, cống, đặc biệt là các vị trí, công trình trọng điểm xung yếu, đang thi công, chủ động phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Tổ chức vận hành điều tiết các công trình hồ chứa nước theo quy định. Chủ động, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.