Nguy hiểm khi côn trùng chui tai, mũi

13/02/2017 05:09 GMT+7

Các bác sĩ ở Chennai, Ấn Độ vừa công bố một trường hợp điều trị hiếm gặp: gián chui mũi đến sát xương sọ và vẫn còn sống khỏe khi bị lôi ra ngoài.

Tờ New Indian Express vừa đưa tin về trường hợp bà Selvi (42 tuổi, sống ở Chennai, Ấn Độ) đột ngột thức giấc giữa đêm khi cảm thấy có cái gì đó đang bò trong đầu. Selvi kể: “Tôi không thể nào diễn tả được cảm giác đó, nhưng tôi chắc chắn rằng phải là một loại côn trùng nào đấy. Cái cảm giác ngứa ran, bò nhột nhạt. Mỗi khi nó di chuyển, tôi lại thấy xốn mắt”.
Bệnh nhân cũng bị đau đầu dữ dội và khó thở, theo Đài CNN. Bà đã đến nhiều phòng khám và bệnh viện khác nhau, và trong lần khám bệnh thứ 4, các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y Stanley đã phát hiện được nguyên nhân gây bệnh.

Bác sĩ M.N.Shankar cho hay đã tìm thấy một con gián còn sống đang chui rúc bên trong vòm mũi, gần sát đáy hộp sọ, tức điểm phân chia giữa não và mũi. “Con gián này đã trưởng thành, còn sống, và dường như chẳng muốn đi ra ngoài”, theo tờ Times of India dẫn lời bác sĩ Shankar. Ban đầu, họ thử dùng thiết bị hút để lôi con vật khỏi vòm mũi, nhưng nó cương quyết bấu chặt vào mô. Sau quá trình 45 phút, đội ngũ bác sĩ vừa hút vừa gắp được con vật đang quẫy mạnh ra ngoài. Tính toán thời gian, con gián đã cố thủ bên trong khoảng 12 giờ.
“Nếu bị bỏ mặc bên trong, nó sẽ chết và bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng, từ đó lan đến não”, bác sĩ chủ trị nói.
Đây không phải là lần đầu tiên báo chí đưa tin về vụ gián chui mũi người. Tờ The Washington Post vào năm 1994 đã mô tả về một trường hợp tương tự, với con gián dài cỡ 2,5 cm, bò vào tai của một sinh viên theo học thạc sĩ tại Đại học George Washington (Mỹ). Bản thân người viết bài này từng chứng kiến một vụ gắp gián đất khỏi tai người tại Q.8 (TP.HCM) vào cuối những năm 1980. Còn trang tin Live Science dẫn lời bác sĩ Richard Nelson của Đại học bang Ohio (Mỹ) cho hay từng chứng kiến ít nhất 12 trường hợp gián chui tai trong hơn 30 năm hành nghề. 

Theo mô tả trên chuyên san American Family Physician, các dị vật từng được phát hiện trong mũi người (thường ở trẻ con) bao gồm hạt cườm, các mảnh đồ chơi, nút áo, sáp nến, thức ăn, giấy, quần áo, pin nút... Côn trùng lại xuất hiện thường xuyên trong tai người trên 10 tuổi, chứ hiếm khi nào chọn xâm nhập qua đường mũi.
Thế nhưng, trong trường hợp côn trùng có thể tìm cách chui vào mũi, liệu nó có thể lên thẳng não hay không? Giáo sư Nelson cho rằng nguy cơ này rất thấp vì có một mảnh xương chắn giữa vòm mũi và não, ngăn chặn con vật có thể xâm nhập trực tiếp hệ thần kinh trung ương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.