Nam bệnh nhân (59 tuổi, ngụ ở quận 11, TP.HCM) nhập viện cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) trong tình trạng lơ mơ, lay gọi không tỉnh, vật vã, suy hô hấp, tụt huyết áp.
Sau khi tiếp nhận và thực hiện các xét nghiệm khẩn cấp, kết quả phát hiện tình trạng nhiễm axít máu rất nặng, tổn thương thận rất nặng. Ngay sau đó, người bệnh nhanh chóng được đưa vào buồng chăm sóc đặc biệt, đặt ống nội khí quản thở máy và lọc máu liên tục, cố gắng đảo ngược tình trạng nguy kịch càng sớm càng tốt. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn ca bệnh.
Ngày 7.2, bác sĩ Trần Huy Nhật (Khoa Hồi sức tích cực và chống độc - Bệnh viện Nhân dân 115) cho biết, sau khi được lọc máu tích cực, người bệnh tỉnh táo, tình trạng nhiễm axit máu về mức bình thường, chức năng thận cải thiện. Nhờ chẩn đoán và điều trị chính xác, trong vòng 48 giờ sau nhập viện, người bệnh đã được rút ống nội khí quản và chuyển khoa Nội tiết để tối ưu hóa điều trị tiểu đường.
Đáng nói, đây không phải là trường hợp hiếm hoi ngộ độc sau khi dùng thuốc tể điều trị tiểu đường mà khoa tiếp nhận. Thời điểm đỉnh điểm có thể lên đến 3 - 4 ca trong 1 tháng.
Bệnh viện Nhân dân 115 đã báo cáo ca bệnh với Sở Y tế TP.HCM để các cơ quan điều tra vào cuộc, truy nguồn và triệt phá những đường dây thuốc tể trộn chất cấm, tránh để lưu hành trong cộng đồng và những tình huống tử vong đáng tiếc.
![Nguy kịch do dùng 'thuốc tể' trị tiểu đường không nhãn mác- Ảnh 1. thuốc trị tiểu đường](https://images2.thanhnien.vn/528068263637045248/2025/2/7/3a6benhnhan3-1738925722037732723535.jpg)
Túi thuốc tể trộn chất cấm mà bệnh nhân sử dụng
ẢNH: BVCC
Dùng thuốc trị tiểu đường chứa chất cấm
Khai thác bệnh sử ghi nhận, người bệnh tự ý mua và dùng thuốc, không có toa bác sĩ, nên người nhà không rõ tên, nguồn gốc của các loại thuốc đó. Bác sĩ yêu cầu người nhà mang hết những thuốc người bệnh cất ở nhà lên thì phát hiện có một túi thuốc tể không nhãn mác bên cạnh những thuốc tân dược. Thủ phạm đáng nghi nhất cho tình trạng nguy kịch cấp tính của bệnh nhân chính là túi thuốc tể, được gửi đến trung tâm pháp y kiểm định.
Sau 24 tiếng gửi mẫu, trung tâm pháp y gửi kết quả hoạt chất những viên thuốc tể đó chính là phenformin - hoạt chất điều trị tiểu đường đã bị cấm ở Việt Nam và toàn thế giới từ những năm 1970.
Theo các chuyên gia khoa Nội tiết của bệnh viện, tiểu đường là bệnh chỉ có thể điều trị bằng thuốc tân dược hoặc tiêm insulin theo chỉ định chặt chẽ của bác sĩ. Bệnh nhân cần được tái khám định kỳ để điều chỉnh thuốc phù hợp với mỗi người bệnh khác nhau. Hoàn toàn không thể dùng một toa thuốc áp dụng cho tất cả các trường hợp bệnh.
"Để đảm bảo sức khỏe, người bệnh tiểu đường nên dùng thuốc, ăn uống, tập luyện thể dục thể thao theo hướng dẫn chặt chẽ của bác sĩ. Đồng thời tuân thủ tái khám định kỳ để điều chỉnh thuốc phù hợp. Người bệnh nên cảnh giác với các quảng cáo thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc với các lời có cánh như “hữu hiệu”, “gia truyền”, “chữa dứt điểm”, “không cần ăn kiêng”... Việc tự ý uống các thuốc không rõ nguồn gốc có thể làm các biến chứng ngày càng nặng và có thể gây ngộ độc chết người", bác sĩ Nhật khuyến cáo.
Bình luận (0)