Yêu văn chương và sống thuần khiết vì nghệ thuật, nhưng từ khi rời bục giảng, Nguyên Bình mới bắt đầu viết như để thỏa nỗi đam mê của mình. Anh làm thơ, viết văn, viết phê bình và chỉ trong vòng mấy năm, tính từ lúc nghỉ hưu đến nay anh đã in 3 đầu sách. Gần đây nhất là tập Quyền năng ngôn ngữ từ trái tim (NXB Hội Nhà văn, 2021). Đây là thành quả của sự lao động nghệ thuật nghiêm túc bằng cái tâm của một người yêu văn chương và cái tình đối với những người bạn văn nghệ mà Nguyên Bình trân quý. Đến với văn chương vào buổi hoàng hôn của cuộc đời nên anh có cái nhìn về nó cũng đầy hào sảng, rộng rãi và bao dung.
“Tôi yêu thơ và trái tim tôi rung cảm trước vẻ đẹp của những vần thơ mà các bạn dâng tặng cho đời từ trái tim các bạn. Với tôi, không có thơ dở, cũng như không có bông hoa nào xấu. Vườn thơ cũng như vườn hoa khoe sắc, mỗi đóa một vẻ, mỗi nhụy hoa một làn hương, tất cả diệu kỳ như ân sủng mà tạo hóa ban tặng. Những gì tôi viết thuần túy là cảm thức, ứa tràn từ trái tim, không mang nặng góc độ nhận xét hay phê bình. Tôi cũng không cố tìm những gì chưa hay trong thơ các bạn cũng như cái chưa đẹp của những bông hoa trên cánh đồng xanh ngát hương. Với tâm thế đó, tôi đọc thơ bạn bè tôi, những tình thân đã gửi đến tôi sản phẩm tuyệt vời từ tâm hồn họ. Đó là mục đích của tập sách này, nơi ghi lại ngọn nguồn cảm xúc khi tôi đọc những vần thơ tôi yêu”.
Chính quan niệm như thế nên Nguyên Bình làm thơ hay cảm nhận thơ của người khác cũng đầy nâng niu, thể hiện sự cảm kích và quý trọng. Nguyên Bình tự thức được rằng, người viết ra được những dòng thơ đó cũng phải là người đã nếm trải, người biết chắt chiu cảm xúc của mình, những người quanh mình để viết ra những câu chữ mang “hương sắc”. Mỗi người có thể có một thế mạnh riêng, tạng/ kiểu thơ riêng, cách thể hiện riêng... Tất cả những nét riêng đó làm nên một dàn đồng ca thơ với nhiều cung bậc, thanh âm, tạo sự đa dạng của nền thơ ca nước nhà.
24 tác giả được Nguyên Bình đề cập đến trong tập sách là những gương mặt khá quen thuộc trong làng văn nghệ như: Vũ Thanh Hoa, Trúc Linh Lan, Nguyễn Thụy Sơn, Phùng Hiệu, Xuân Trà, Phạm Đức Mạnh... Với những nét chấm phá, nhìn nhận, khơi mở, Nguyên Bình đã làm toát lên nét đặc trưng và tạo nên những ấn tượng sâu đậm hơn trong lòng bạn đọc về thơ của các tác giả mà anh đang đề cập đến. Bởi trong lời nhận định của Nguyên Bình bao giờ cũng “đẹp”, cũng đong đầy cảm xúc và mang tính ưu ái, khích lệ:
“Thơ của Khúc Thụy Du như làn sương khói lung linh trong đêm thắp nến, chị ươm trong cõi thơ mình từng vần điệu, từng thi ngôn thi ảnh mơ hồ, như người yêu dấu trăm năm của chị xa vời tựa “một làn khói trắng, ru đời vào quên lãng...”.
“Những câu thơ của Phùng Hiệu đã là cục máu bầm của tình trạng xuất huyết nội. Nhà thơ viết bằng chính bàn tay cầm công cụ của những người vô sản hiện đại, có khác gì của các tầng lớp vô sản thế kỷ trước?”.
“Nhà thơ Phạm Đức Mạnh luôn đau đáu trong lòng, nơi quê nhà, mẹ già đắng lòng khô héo mong chờ đàn con đang lưu lạc chốn xa. Thế mà, trong cuộc sống bộn bề, dễ gì đứa con thương cha nhớ mẹ ấy có thể gạt bỏ ngổn ngang cơm áo mà về ôm chầm lấy mẹ. Vâng, tôi hiểu, anh cũng như tôi, chúng ta chỉ về quỳ bên mẹ trong giấc mơ hằng đêm, giữa cái rần rật đua chen phố thị hoa đèn”.
“Võ Miên Trường đi về trong cõi tạm cùng chúng ta với thân phận nữ nhi. Người đàn bà làm thơ được trời ban cho một vóc dáng mảnh mai, một nét má hồng môi son đầy mỹ cảm, và tận trong sâu thẳm của tâm thức là triền miên những giằng xé về thân phận mình, thân phận đàn bà khát khao hạnh phúc trong suốt cuộc hành trình đầy khắc khoải”...
Đọc hết tập sách, người đọc sẽ có cái nhìn bao quát, đầy đủ hơn về sức làm việc và tình yêu văn chương của Nguyên Bình. Phải là người chịu khó, bền bỉ đọc và có khả năng cảm nhận, thẩm thấu tác phẩm thì mới có thể viết được những trang viết trí tuệ và giàu cảm xúc như thế. Cái cốt lõi, chủ đạo ở Nguyên Bình là anh đi sâu vào khai thác ở khía cạnh cảm xúc, nắm bắt cái tình của người viết bằng sự thấu hiểu và đồng điệu về tâm hồn. Vì thế, người đọc chỉ thấy Nguyên Bình “khen” mà không thấy “chê”. Đúng như anh tâm niệm: “Tôi chỉ viết về cái hay, cái đẹp của thi phẩm các thi nhân mà tôi được đọc, được biết chứ không đi sâu vào phân tích để chỉ ra những hạn chế của họ bằng những lý luận học thuật”. Phải chăng đó là điểm mạnh nhưng cũng là hạn chế trong những bài phê bình của Nguyên Bình.
Quyền năng ngôn ngữ từ trái tim của Nguyên Bình phần nào đã đem đến cho độc giả những trang cảm nhận văn học chân thành, tâm huyết, rung động trong tình cảm, dâng tràn trong cách thể hiện ý tưởng cảm xúc với những phát hiện thú vị, bất ngờ về vẻ đẹp tiềm ẩn trong thơ.
Bình luận (0)