Nguyên Chủ tịch Ngân hàng MHB Huỳnh Nam Dũng kháng cáo kêu oan

16/12/2018 08:40 GMT+7

Bị cáo Huỳnh Nam Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT MHB) bị tuyên phạt 13 năm tù kháng cáo kêu oan vì cho rằng các cơ quan tố tụng đang hình sự hóa quan hệ kinh tế.

TAND cấp cao tại TP.HCM hôm qua (15.12) xác nhận đến hết thời hạn kháng cáo, đã có 8/16 bị cáo bị tuyên tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thiệt hại của Ngân hàng TMCP Phát triển nhà ĐBSCL (MHB, nay sáp nhập vào BIDV) hơn 349 tỉ đồng kháng cáo kêu oan, yêu cầu xem xét lại toàn bộ bản án, giảm nhẹ hình phạt và xem lại vấn đề trách nhiệm bồi thường.
Trong đó, bị cáo Huỳnh Nam Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT MHB) bị tuyên phạt 13 năm tù kháng cáo kêu oan và yêu cầu xem xét lại trách nhiệm bồi thường. Nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán MHB (MHBS) Lữ Thị Thanh Bình bị tuyên 11 năm tù yêu cầu xem xét lại toàn bộ bản án. Nguyên Tổng giám đốc MHB Nguyễn Phước Hòa bị tuyên 10 năm tù xin giảm nhẹ hình phạt và miễn trách nhiệm bồi thường…
Trong đơn kháng cáo kêu oan, bị cáo Huỳnh Nam Dũng cho rằng các cơ quan tố tụng đang hình sự hóa quan hệ kinh tế. Cụ thể, bị cáo Dũng nêu khi MHB sáp nhập vào BIDV tháng 6.2015 thì khoản phải thu 272 tỉ từ MHBS không phải là một khoản nợ khó đòi, mà là một nguồn thu nhập. Bởi trước thời điểm sáp nhập, MHB đã trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản phải thu từ MHBS theo quy định của pháp luật, gồm: 102 tỉ đồng cho số tiền 102 tỉ đồng vốn góp của MHB vào MHBS; 282 tỉ đồng cho số tiền 272 tỉ đồng tiền gửi chờ mua trái phiếu chính phủ (TPCP) mà MHBS chưa có khả năng hoàn trả MHB. Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện của BIDV cũng khẳng định khi nhận bàn giao đã nhận quỹ dự phòng 282 tỉ đồng…
Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2011 - 2014, hai bị cáo Dũng, Hòa thông qua cuộc họp Hội đồng quản lý tài sản nợ - tài sản của MHB thống nhất chủ trương chuyển 4.975 tỉ đồng của MHB cho MHBS với nội dung hợp tác đầu tư TPCP. Nhưng thực chất, Lữ Thị Thanh Bình dùng 3.357 tỉ đồng đem gửi có kỳ hạn tại các chi nhánh trong hệ thống MHB nhằm hưởng lãi suất hơn 26 tỉ đồng, số tiền còn lại để đầu tư TPCP, trong đó hơn 966 tỉ đồng để ký các hợp tác đầu tư môi giới, mua bán TPCP của chính MHB thông qua một số công ty trung gian. Việc môi giới, mua bán trái phiếu quay vòng đã để cho các công ty trung gian và MHBS được hưởng lợi, dẫn đến thiệt hại hơn 349 tỉ đồng của MHB, gồm 272 tỉ đồng tiền gốc, 26 tỉ đồng tiền lãi của các khoản tiền gửi, hơn 48 tỉ đồng thua lỗ do mua bán trái phiếu và hơn 2 tỉ đồng bị công ty trung gian hưởng lợi.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.