Sau khi kết thúc phần xét hỏi, chiều 29.8, đại diện Viện kiểm sát (VKS) thực hành quyền công tố đã trình bày quan điểm về hành vi vi phạm của các bị cáo trong vụ sai phạm tại Công ty CP Hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex).
Theo đó, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm buộc tội, cho rằng bị cáo Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch HĐTV PVTex; và Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc PVTex, đã vi phạm trong chọn liên minh nhà thầu Công ty CP đầu tư và xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC) và Công ty CP thiết kế quốc tế HEERIM.PVC, do liên minh này không đủ tiêu chuẩn để thi công xây dựng giai đoạn 1 dự án nhà ở cho cán bộ, công nhân viên của PVTex.
Các bị cáo đã tự ý thay đổi, điều chỉnh thiết kế và xây dựng từ chung cư sang nhà liền kề; tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, các bị cáo Hiếu và Đào Ngọ Hoàng, nguyên Trưởng phòng Thương mại hợp đồng PVTex; Vũ Phương Nam, nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng Tài chính - kế toán PVTex, đã cố ý làm trái trong chỉ đạo, làm thủ tục thanh quyết toán 20 tỉ cho PVC.KBC trái quy định.
|
Các bị cáo cũng đã không quản lý việc sử dụng vốn tạm ứng để Đỗ Văn Hồng, đại diện nhà thầu PVC.KBC, sử dụng không đúng mục đích, không tiếp tục thực hiện dự án. Đến tháng 3.2012, dự án đã ngừng mọi hoạt động, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 19 tỉ đồng và hệ lụy rất lớn là toàn bộ công trình thi công dở dang, xuống cấp nghiêm trọng và đã bị thu hồi đất, gây lãng phí hơn 92 tỉ đồng vốn đầu tư của Nhà nước.
Dù bị cáo Trần Trung Chí Hiếu cho rằng, việc mình nhận 3 tỉ đồng tiền thoái vốn của PVTex Kinh Bắc vì nghĩ là tiền Duy cho mượn chứ không phải tiền của Hồng hối lộ, nhưng đại diện VKS vẫn cho rằng, từ các tài liệu thu thập được, từ bút tích của các bị cáo, diễn biến phiên tòa, kết luận giám định cùng các tài liệu thu thập khác, có đủ cơ sở để khẳng định việc VKS nhân dân tối cao truy tố các bị cáo về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (khung hình phạt từ 10 - 20 năm) và tội nhận hối lộ (khung hình phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình) là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Xét tính chất, mức độ của vụ án, đại diện VKS cho rằng, hành vi cố ý làm trái xảy ra tại PVTex là đặc biệt nghiêm trọng.
Việc chọn nhà thầu không đủ năng lực và kinh nghiệm, tự ý thay đổi thiết kế và thi công, cố ý làm trái việc tạm ứng, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn và nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác.
Bị cáo Hiếu đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình trong PVTex và sự ảnh hưởng của mình, thông qua Duy, buộc Đỗ Văn Hồng đưa cổ phần góp vốn thành lập PVTex Kinh Bắc để chiếm dụng số tiền lớn.
“Hậu quả của vụ án là rất nghiêm trọng, để lại hệ lụy rất lớn, chưa tính được giá trị là toàn bộ dự án nhà ở phải ngừng và đã bị thu hồi đất dự án, tức dự án bằng 0, gây lãng phí 92 tỉ đồng, ảnh hưởng đến chính sách nhà ở cán bộ, công nhân”, cơ quan công tố nhận định.
Mặt khác, theo đại diện VKS, vụ án còn “biểu hiện của một phần tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu gây không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn gây tổn hại về chính trị, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân”, hành vi trên phải bị nghiêm trị.
Với quan điểm này, VKS đề nghị xử phạt bị cáo Hiếu 12 - 13 năm tù về tội cố ý làm trái, 15 - 16 năm tù về tội nhận hối lộ, tổng hợp hình phạt chung là 27 - 29 năm tù.
Bị cáo Đào Ngọ Hoàng bị đề nghị mức 9 - 11 năm tù, Vũ Phương Nam bị đề nghị 8 - 10 năm tù và Đỗ Văn Hồng bị đề nghị 10 - 11 năm tù, cùng về tội cố ý làm trái.
Về hình phạt bổ sung, bị cáo Đỗ Văn Hồng bị buộc bồi thường thiệt hại cho PVTex 19,4 tỉ đồng và 296 triệu tiền lãi.
Bình luận (0)