Nguyễn Diêu - nhà soạn tuồng xuất sắc

24/05/2012 03:43 GMT+7

Ngày 23.5 tại Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo khoa học Thân thế và sự nghiệp nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu.

Hơn 30 tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà văn, nhà thơ trong nước và quốc tế đã được trình bày tại hội thảo. Các tham luận đều tập trung nêu bật những đóng góp xuất sắc của Nguyễn Diêu cho kho tàng nghệ thuật tuồng của dân tộc, đánh giá đúng những giá trị đích thực cả về nhân cách lẫn văn nghiệp của ông mà lâu nay bị lớp bụi thời gian che khuất.

Nguyễn Diêu sinh năm 1822, người làng Nhơn n, H.Tuy Phước, tỉnh Bình Định, trong một gia đình nghèo. Ông đỗ tú tài năm Tự Đức thứ 13 (1860) rồi về ở ẩn, dạy học và viết tuồng tại quê nhà cho đến khi mất (1880). Ông là thầy dạy chữ và cũng là người gieo niềm đam mê hát bội (tuồng) cho người học trò của mình - nhà thơ, nhà viết tuồng lỗi lạc Đào Tấn.

Nguyễn Diêu để lại cho đời không nhiều vở tuồng, nhưng chỉ với 3 tác phẩm Tiết Giao đoạt ngọc, Ngũ hổ bình tây và Liệu đố (chữa bệnh ghen) đã làm cho người đời sau không thể quên ông. Đáng tiếc là, việc ghi nhận những đóng góp của Nguyễn Diêu trong kho tàng văn hóa một cách chính danh thì lại không nhiều.

Cuộc hội thảo quy tụ những giáo sư, những nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng của đất nước và thế giới như GS Thái Kim Lan (Đức), GS Nguyễn Thuyết Phong (Mỹ), GS Hồ Sĩ Vịnh, nhà nghiên cứu Mịch Quang, các nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, nhà thơ Thanh Thảo, NSND Đàm Liên… là dịp để mọi người hiểu một cách cặn kẽ và sâu sắc về nhà soạn tuồng xuất sắc Nguyễn Diêu.

Trần Đăng - Trần Thị Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.