Nguyễn Đức Thắng: Từ 'nam thần' tuyển Việt Nam đến nhà cầm quân sắc bén

03/05/2020 15:27 GMT+7

Khi là cầu thủ, Đức Thắng chắc suất vô địch về khoản đẹp trai ở đội tuyển Việt Nam. Đặc biệt anh có tài và rất sắc bén sau khi chuyển sang nghề huấn luyện.

Hot boy đẹp trai nhất tuyển Việt Nam

Nói về Nguyễn Đức Thắng, các fan hâm mộ sẽ có nhiều điều để nói về chàng hậu vệ trái sớm là ngôi sao Thể Công và đội tuyển Việt Nam. Riêng các fan nữ sẽ nhớ thêm và than thở về vẻ đẹp trai, lãng tử của chàng cầu thủ được coi là “nam thần” của tuyển Việt Nam có thể so kè với những ngôi sao bóng đá Ý nức tiếng khi đó.
Khá trùng hợp là các tuyển thủ Việt Nam tên Thắng đều rất đẹp trai. Có thể kể tên cựu đội trưởng Nguyễn Hữu Thắng, tiền đạo Nguyễn Việt Thắng và Nguyễn Đức Thắng. Nhiều người nói trong số đó Đức Thắng đẹp trai nhất.
Đẹp trai lại có tài, nhất là phong cách “thanh niên thủ đô” nhẹ nhàng lịch lãm giúp Đức Thắng luôn là ngôi sao số 1 tuyển Việt Nam về mặt hình ảnh. Các đồng đội “mách” lại mặc kệ Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Đỗ Khải… thì Đức Thắng luôn nhận nhiều thư tỏ tình nhất từ các fan nữ, đơn vị tính bằng bao tải!
Nhưng đẹp không mài ra ăn được. Đức Thắng thì càng ghét người ta chỉ nói về nhan sắc thư sinh thu hút fan nữ của mình. Mà fan nữ của anh nhiều lắm. Bởi vậy, Đức Thắng luôn đặt mục tiêu và áp lực cực cao lên bản thân. Đây là một phần lý do anh phải chịu nhiều chấn thương, để rồi đang là một trong những nhà cầm quân có chuyên môn tốt nhất Việt Nam.
Là một trong những sản phẩm thành công đặc trưng nhất của lò Thể Công, Đức Thắng sở hữu kỹ thuật cơ bản khá toàn diện. Suốt sự nghiệp của mình, anh luôn để lại ấn tượng đẹp về cách chơi bóng đàng hoàng, có trình độ hiếm khi để lại hình ảnh xấu.
Ở những năm 90 của thế kỷ trước, không có tài không có cửa đá cho Thể Công. Mà đá chính ở tuổi 19 cho đế chế từng thống trị Việt Nam thì phải càng thật kiệt xuất. Đức Thắng đã xuất hiện ở dòng chảy bóng đá Việt Nam theo cách như thế.
Năm 1988, Đức Thắng vượt qua những đợt sách hạch khắc nghiệt ở tuổi 12, để 3 năm sau chính thức biên chế vào đội trẻ Thể Công, song song được giải quyết thủ tục nhập ngũ vào năm 1991, ở tuổi 15.
Đến năm 1993, ở tuổi 17 anh đã được đôn lên đội hình 1 Thể Công để kiêu hãnh đứng chung với các đàn anh danh tiếng như Hồng Sơn, Việt Hoàng…
12 tuổi (năm 1988), Đức Thắng vượt qua kỳ sát hạch đầu tiên để trở thành “người của Thể Công”. Năm 15 tuổi, chính thức ghi tên mình vào đội trẻ chính quy của CLB và nhanh chóng được giải quyết thủ tục cho lên đường nhập ngũ (tháng 4.1991). 

Đức Thắng khiến cả V-League phải tôn trọng sau những thành công cùng Sài Gòn

Trân Quý

Và đến đầu năm 1993, tức là khi vừa tròn 17 tuổi, “chàng lãng tử” được đôn lên đội hình 1, sánh vai cùng những đàn anh lừng lẫy như Hồng Sơn, Việt Hoàng...
Đến năm 1998, Đức Thắng có danh hiệu đầu tiên trong màu áo lính, giúp Thể Công vô địch quốc gia dưới sự dẫn dắt của HLV Vương Tiến Dũng. Anh là một trong 5 cầu thủ Thể Công có tên trong đội hình tiêu biểu của cả năm.
Thành công đó giúp Đức Thắng khẳng định vị trí tại tuyển Việt Nam sau khi được HLV Colin Murphy gọi vào đội Olympic năm 1997. Để từ đó chàng lãng tử này ghi những dấu ấn đậm nét bởi tài năng và cách chơi bóng tài hoa, thông minh và đẹp mắt này.

Nhà cầm quân sắc bén

Dưới thời HLV Colin Murphy, Đức Thắng sau một lần được thay cho Lê Đức Anh Tuấn đã lấy suất đá chính và trở thành trụ cột không thể thiếu trong mọi tính toán chiến thuật của vị “thuyền trưởng” người Anh.
Đến lúc này, nhiều người vẫn nhớ đến pha bứt tốc như một chiến mã, kéo dài hơn nửa sân trước khi tạt vào giúp Hồng Sơn ghi bàn giúp tuyển Việt Nam đánh bại Indonesia để lọt vào bán kết SEA Games 1999.
Nhưng như bất kỳ thành công nào khác, đằng sau nó luôn không chỉ màu hồng. Đằng sau những phút giây tỏa sáng trên sân cỏ ít người biết anh cũng đã phải chịu rất nhiều nỗi đau vì chấn thương.

Gia đình nhỏ hạnh phúc luôn là mỏ neo giúp Đức Thắng vượt qua mọi sóng gió

Facebook nhân vật

Cho đến giờ, Đức Thắng vẫn chịu di chứng chấn thương rách khớp vai năm 1995, từng tái phát rách bao khớp phải nghỉ 4 tháng. Trong 2 năm 1997, 1998 anh bị đứt dây chằng 2 lần phải nghỉ tổng cộng hơn 1 năm trời.
Đến năm 2001, vì quá đau anh quyết định mổ vết rách khớp vai nhưng do để quá lâu nên không thể loại bỏ hết di chứng.
Trong 10 năm chơi bóng, Đức Thắng luôn gây ấn tượng rất tốt với mọi HLV ngoại như Murphy, Dido, Riedl hay Tavares, từng đối đầu Porto (B), Barca (B), Ajax Amsterdam và ghi bàn vào lưới Botafogo (Brazil).
Tiếc là Đức Thắng cùng thế hệ Vàng vẫn luôn dở dang không thể tìm kiếm danh hiệu nào dù đã vào đến chung kết SEA Games 1999 và thúc thủ 0-1 trước Thái Lan. Sau thất bại tại Tiger Cup 2004, Đức Thắng từ giã đội tuyển và không lâu sau chính thức “treo giày” vì chấn thương ở tuổi 29.
Ngoài đời, Đức Thắng là người rất lém lỉnh, thông minh. Bản năng của một hậu vệ khiến anh thường xuyên bọc lót rất kỹ các thông tin và khi cần thiết sẽ phản công nhanh và vô hình dồn đối phương vào góc.

Nụ cười của Đức Thắng khi tạm lùi một bước dẫn dắt Bình Định

Minh Trần

Nhưng sự thông minh và lém lỉnh giúp Đức Thắng thường xuyên hóa giải thành công những khó khăn. Cộng thêm sự ham học, nên Đức Thắng vươn lên rất nhanh nhất là sau giai đoạn làm trợ lý cho HLV Calisto ở tuyển Việt Nam năm 2009.
Trong đó, cá tính sắc bén khiến ông có những bước ngoặt mà nếu là người khác sẽ rất khó dám ra quyết định. Trong vai trò giám đốc đào tạo trẻ của Hà Nội, Đức Thắng đã vô địch U.19, U.21 quốc gia trước khi đưa CLB Hà Nội B thăng hạng V-League 2016 trước khi chuyển vào Nam cải tên thành Sài Gòn.
Có trong tay đội hình bị cho là "hàng dạt" quá lứa hoặc trẻ chưa đủ khôn lớn, không đầu tư bao nhiêu, hnưng mùa đầu tiên Sài Gòn xếp hạng 7, đến mùa 2017 đội chỉ chịu xếp hạng 5 do kém Than Quảng Ninh hiệu số phụ. Nhưng giữa lúc đội bóng đổi chủ tịch, Đức Thắng đã làm quyết định rất nhiều người thuộc gia đình bầu Hiển sững sờ là xin nghỉ.
Sau một mùa giải ngắn ngủi cùng Thanh Hóa bằng chiến dịch “bàn tay sắt", anh đang lùi lại một chút vì một sứ mệnh lớn lao là đưa bóng đá Bình Định tìm lại ánh hào quang xưa. Những ngày ở Quy Nhơn này, Đức Thắng vẫn sắc sảo và nhưng vui vẻ, cởi mở hơn, ít phần nghiêm khắc hơn so với thời dẫn Sài Gòn lần đầu làm V-League. 
Anh đang không ở vùng đất phồn hoa như Hà Nội hay Sài Gòn, mà đang cống hiến cho vùng đất cá tính mạnh mẽ và phóng khoáng như Bình Định. Để gặt hái mục tiêu cao, Đức Thắng sẽ cần làm ra những điều đặc biệt, nhưng trước mắt họ cần nhất là sự ngưng tụ của cả tập thể. Mà đây là điều Đức Thắng rất rành khi cùng Hà Nội thăng lên V-League 5 năm trước. 

Đức Thắng và những kỷ niệm đẹp cùng giải U.21 Báo Thanh Niên

Đức Thắng có những kỷ niệm rất đẹp với giải U.21 Báo Thanh Niên. Năm 1997, giải U.22 Báo Thanh Niên đầu tiên (phiên bản của giải U.21 hiện tại) chứng kiến Đức Thắng và Thể Công đăng quang vô địch. Anh khởi nghiệp cầm quân bằng 2 chức vô địch U.19 và U.21 Báo Thanh Niên. Năm 2013 sau khi vô địch, Đức Thắng được mời dẫn dắt U.21 Báo Thanh Niên dự giải quốc tế nhưng do mới về, quá bận việc tại trung tâm bóng đá trẻ Hà Nội nên không thể góp mặt. Một tiếc nuối khác là sau khi giải nghệ anh không thể về Đồng Tâm Long An làm việc cùng HLV Calisto năm 2005. Năm 2009 khi Đức Thắng lên tuyển Việt Nam làm trợ lý, HLV Calisto đã có những lời khuyên "thấu tình - đạt lý" làm nền tảng cho những bước phát triển rất nhanh của anh sau này. Kể cả một số học trò từng có lúc bất đồng với cách trị quân nghiêm khắc vẫn phải thừa nhận về chuyên môn Đức Thắng có sự nhạy bén trong đọc tình huống, chuẩn bị trận đấu tỉ mỉ, chu toàn, sắc sảo hàng đầu Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.