Nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình: 'Bị cáo đã làm hết trách nhiệm của mình'

14/01/2019 17:31 GMT+7

Bị cáo Trương Quý Dương , nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, giãi bày sự cố chạy thận khiến 9 người chết là nỗi đau trên nhiều phương diện, của nhân thân người bệnh, của đồng nghiệp, bản thân bị cáo và của cả ngành y tế.

Chiều 14.1, phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ tai biến chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo.
Là người đầu tiên đứng trên bục khai báo, bị cáo Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hoà Bình, khai vào 9 giờ 30 sáng 29.5.2017 (ngày xảy ra sự cố), bị cáo nhận được điện thoại của Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện Hoàng Đình Khiếu báo cáo về việc một số bệnh nhân có dấu hiệu dị ứng.
Bị cáo Dương khai đã giao bị cáo Khiếu thay mặt mình xin tư vấn của Bệnh viện Bạch Mai và xử lý vì "đang bận quá nhiều việc". Tới hơn 11 giờ, bị cáo Dương gọi điện lại thì đã có bệnh nhân tử vong vì sốc phản vệ.
Bị cáo Dương giải thích, do bác sĩ Khiếu báo cáo là một số bệnh nhân dị ứng mà đây chỉ là hiện tượng bình thường ở một bệnh viện tuyến tỉnh nên bản thân không xuống đơn nguyên chạy thận ngay. "Nếu lúc 9 giờ 30, bác sĩ Khiếu báo cáo là bệnh nhân sốc phản về thì bị cáo đã xuống ngay", bị cáo Dương phân trần.
Khi được hỏi về trách nhiệm của mình với tư cách là người đứng đầu bệnh viện khi xảy ra sự cố, bị cáo Dương giãi bày: "Có thể gói gọn bằng một từ đau". Đó là nỗi đau trên nhiều phương diện, của nhân thân bệnh nhân tử vong, đồng nghiệp, bản thân bị cáo và cả ngành y tế.
Bị cáo Dương cũng cho rằng, mình không hề chối bỏ trách nhiệm vì ngay từ ngày 29.5, thời điểm xảy ra sự cố, đã thay mặt bệnh viện nhận trách nhiệm.
Khi tòa tiếp tục truy nhận thức của bị cáo về trách nhiệm đối với sự việc xảy ra, bị cáo Dương nói: "Thực tế, trong thời điểm đó, về mặt chủ quan, với chức trách nhiệm vụ của mình, bị cáo đã cố gắng làm tất cả những gì có thể làm. Còn việc để xảy ra sự cố rất mong hội đồng xét xử xem xét...".

Những thiếu sót liên quan tới an toàn của bệnh nhân đều được khắc phục ngay

Bị cáo Dương cũng khai, trong vấn đề tổ chức hoạt động của bệnh viện, với tư cách là người đứng đầu đã phân công cho Phó giám đốc Hoàng Đình Khiếu phụ trách khoa Hồi sức tích cực, trong đó có đơn nguyên thận nhân tạo và thường xuyên tiến hành giám sát, kiểm tra. Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cũng tiến hành kiểm tra theo định kỳ.
Khi tòa truy, qua việc kiểm tra như vậy có thiếu sót nào cần khắc phục mà với tư cách là giám đốc bệnh viện bị cáo chưa khắc phục không, bị cáo Dương khẳng định: "Tất cả khuyến cáo mang tính chuyên môn, ảnh hưởng chất lượng khám chữa bệnh thì gần như khắc phục ngay. Quan trọng đảm bảo an toàn cho người bệnh thì bắt buộc phải chấp nhận và phải khắc phục ngay".
Bị cáo Dương cũng cho rằng, toàn bộ nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị cũng như cơ sở pháp lý của Đơn nguyên thận nhân tạo đều đầy đủ. Toàn bộ 26 cán bộ gồm 3 bác sĩ và 23 điều dưỡng của Đơn nguyên thận nhân tạo đều đã được cử đi đào tạo và lấy chứng chỉ kỹ thuật viên lọc máu.
Về cơ sở vật chất, cả 3 hệ thống lọc nước RO đều do bệnh viện dùng nguồn tiền ngân sách để đầu tư, chỉ máy lọc thận là ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn theo hình thức thuê mua để thực hiện chủ trương xã hội hóa.
Về cơ sở pháp lý, bị cáo Dương cũng cho rằng, việc thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo cũng như thực hiện lọc máu tại BVĐK tỉnh Hòa Bình là phù hợp chủ trương của Bộ Y tế cũng như nhu cầu của bệnh viện.
Khi tòa hỏi, theo quy định, khi thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo thì phải có kỹ thuật viên hoặc kỹ sư theo quy định, bị cáo Dương cho rằng, trong bệnh viện không có chức danh là kỹ sư hay kỹ thuật viên lọc máu mà chỉ có nhân viên, kỹ thuật viên của bệnh viện hỗ trợ công việc đó.
Nguyên giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng, với tư cách lãnh đạo bệnh viện, bị cáo chỉ đảm bảo nhân lực và cơ sở vật chất, còn việc sử dụng người nào, vào vị trí nào thì thuộc thẩm quyền đã được phân cấp cho trưởng khoa, mà cụ thể là Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực Hoàng Đình Khiếu.
Theo cáo trạng, bị cáo Trương Quý Dương vi phạm quy định của Bộ Y tế đối với nhiệm vụ của giám đốc bệnh viện. Theo đó, bị cáo là người ký quyết định nhưng từ khi thành lập đơn nguyên lọc máu bị cáo không bố trí kỹ sư, kỹ thuật viên hoặc cũng không phân công ai làm nhiệm vụ của kỹ sư, kỹ thuật viên theo quy định. Từ năm 2014 đến 2017 không có quyết định giao người phụ trách Đơn nguyên lọc máu.
Bị cáo này cũng vi phạm quy định quản lý, sử dụng có hiệu quả các thiết bị y tế và tài sản khác trong bệnh viện vì đã không chỉ đạo Phòng Vật tư thiết bị y tế xây dựng và ban hành quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng máy, cụ thể là quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng hệ thống RO; hệ thống RO số 2 thực tế không được giao cho cá nhân quản lý và sử dụng, dẫn đến Đơn nguyên lọc máu tùy tiện sử dụng hệ thống RO sau sửa chữa không chờ kết quả xét nghiệm nước.
Cũng theo cáo trạng, bị cáo vi phạm quy định “giám đốc có trách nhiệm kiểm tra mọi hoạt động của bệnh viện” khi là người ký các hợp đồng, thanh lý hợp đồng sửa chữa hệ thống RO nhưng không sâu sát trong kiểm tra, không phát hiện việc Đơn nguyên lọc máu thường xuyên sử dụng hệ thống RO ngay sau sửa chữa, không chờ kết quả xét nghiệm chất lượng nguồn nước để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.