Nguyễn Hải Yến huyền ảo với ‘Hoa gạo đáy hồ’

08/08/2020 16:00 GMT+7

Có thể nói nữ nhà văn Nguyễn Hải Yến xứng đáng là “hiện tượng” văn chương của năm 2019 - 2020.

Ngay khi tạp chí Nhà văn và Tác phẩm công bố kết quả cuộc thi truyện ngắn (2018 - 2020) tại Hà Nội gồm hai giải nhất, trong đó có Nguyễn Hải Yến với hai truyện Hoa gạo đáy hồ Cửa sông thiên đường thì NXB Văn hóa - Văn nghệ phát hành tập truyện Hoa gạo đáy hồ gồm 10 truyện ngắn của chị.
Trước khi đoạt ngôi “Trạng nguyên” cuộc thi trên, cuối năm 2019, chỉ với tập truyện ngắn đầu tay Quán Thủy Thần, Nguyễn Hải Yến đã đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và được kết nạp ngay vào Hội. Đây là một trường hợp hiếm có đối với người cầm bút trong nhiều thập kỷ qua.
Tôi biết Nguyễn Hải Yến một cách tình cờ, do đọc truyện Hoa gạo đáy hồ Bên đường có cái đầm nước của chị in trên tạp chí Nhà văn và Tác phẩm số 36 (tháng 7-8.2019), thấy quá lạ, quá hay (nhất là truyện Hoa gạo đáy hồ) liền tò mò hỏi tòa soạn tạp chí rằng, Nguyễn Hải Yến “mọc lên từ lò nào” mà viết hay thế? Không ngờ, Nguyễn Hải Yến trong email gửi cho tôi, cho biết chị là “người nhà quê chính gốc, dạy văn ở một trường cấp 2 bé xíu” thuộc tỉnh Hải Dương.
Trước năm 2019, chị gần như “vô danh” trong làng văn, do mới đăng truyện ngắn đầu tay năm 2016 trên báo Văn nghệ (truyện Nhân gian một cõi). Vậy mà cây bút mới toanh Nguyễn Hải Yến đã cùng Phạm Lưu Vũ đoạt giải nhất một cuộc thi văn chương sang trọng. Mừng cho Nguyễn Hải Yến và cả ban chung khảo (gồm các nhà văn tên tuổi như Nguyễn Trí Huân, Văn Chinh, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái…) đã chọn trao giải đúng những tác phẩm thực sự là văn chương, chứ không lệ thuộc vào đề tài hay “cơ cấu” nào khác. Mời bạn đọc thử vài dòng Nguyễn Hải Yến viết về “trà lá” là món mà tôi tưởng là phái nữ không sành:
“…Những ngón tay run run chạm khẽ vào chiếc ấm đất, màu men tím thẫm ngả sang ánh tối rồi dựng lại ở vệt trắng mờ cong cong như cánh hoa khô… Nó chỉ dùng pha duy nhất một loại trà… Đây là chiếc ấm đất Tử Sa nhưng pha thêm chút tro hoa bưởi… Trà xuân núi Ngọc ướp hương bưởi rừng Thung Mây không chỉ thơm mùi hoa mà còn tròn nguyên vị sương của núi, nó chát đằm mà mượt như lụa, vừa nồng nàn hối hả như thời gian hữu hạn, lại êm và ngọt lửng lơ lững thững như khí xuân chưa muốn giao mùa…”. (Trích Hoa gạo đáy hồ).
Hẳn có bạn sẽ bảo “sao trích dẫn dài thế?”, có khi tôi còn muốn trích dẫn nữa; nói về cây bút mới thì phải dẫn văn. Vả lại, nhiều câu văn của Nguyễn Hải Yến dài một cách khác thường, như một dòng chảy lớp lớp đầy hương sắc theo mạch cảm xúc; còn câu chuyện thường rất khó tóm tắt, nhất là những truyện dựng theo một bút pháp mà tôi tạm gọi là “huyền ảo Việt Nam”, vì khác hẳn kiểu các nhà văn Mỹ La-tinh. Ví như truyện Hoa gạo đáy hồ, bạn đọc mê mải cùng cô gái phiêu lưu trên con thuyền nhỏ tìm đến Thung Mây, núi Ngọc, núi Bạc, xuyên qua lòng núi âm âm hơi đá, ẩm và lạnh…, rồi bất ngờ làng đảo hiện ra như mơ, như thực…; gần cuối mới biết tác giả viết về cả trăm con người cùng bao nhiêu là “nhà cửa, thành quách đền dài, những cánh đồng, những rừng lim hàng trăm năm tuổi, những chợ Ngọc, chợ Ngà…” đã chìm sâu hơn 50 năm dưới đáy hồ thủy điện Thác Bà.

NXB Văn hóa-Văn nghệ phát hành tập truyện Hoa gạo đáy hồ gồm 10 truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Hải Yến

ẢNH: N.K.P

Hầu hết truyện ngắn của Nguyễn Hải Yến không dễ tóm tắt câu chuyện, nếu dùng thuật ngữ văn chương thì có thể nói đó là do “thi pháp” đặc trưng của Nguyễn Hải Yến, không chỉ là hiện thực và huyền ảo xen lẫn. Tất cả hiện lên trang giấy là “sản phẩm” vừa tươi nguyên vừa chín mọng của một tâm hồn đa cảm, lãng mạn và “chứa chan nhân hậu tình người” (chữ của nhà văn Văn Chinh - NV), chứ không lệ thuộc vào đề tài hay trường phái nào hết. Có lẽ vì thế, bình luận về truyện của Nguyễn Hải Yến, cho đến nay, chỉ có nhà văn đồng hương với tác giả là Đặng Văn Sinh là có cách diễn giải thấu đáo nhất. Với mỗi truyện ngắn, Đặng Văn Sinh viết hẳn thành một tiểu luận dài, nên khó đăng báo. Ví như với truyện Hoa gạo đáy hồ ông viết bài Hoa gạo đáy hồ, huyền thoại về một vùng đất thiêng dài hơn 3.000 từ! Xin được trích một đoạn:
“…Có thể khẳng định, thời gian trong Hoa gạo đáy hồ là thời gian phi tuyến tính, vận động theo chu trình diễn biến tâm lý hay hoàn cảnh nhân vật. Nó là một đại lượng ảo luôn biến động tùy thuộc vào cái thế giới được miêu tả. Chính vì thế, người đọc không thể biết mối tình về người kỹ sư xây dựng hi sinh trong vụ máy bay Mỹ thả bom xuống công trình thủy điện và chị Mai, người con gái ướp trà sương hương bưởi, với nhân vật người kể chuyện cũng gặp chính người đàn ông này trở về ngôi nhà cũ của mỉnh cạnh đê La Thành uống trà xuân bằng bộ ấm chén tử sa có lai lịch lạ kỳ. Chưa hết, câu chuyện còn được dẫn dắt đến mối tình đầy chất huyền thoại của anh lính Điện Biên với người con gái nghèo. Đôi vợ chồng ngâu này mỗi năm chỉ gặp nhau một lần vào ngày hội làng. Phải đọc kỹ ta mới vỡ lẽ, người chồng ấy chỉ là một hồn ma, tử trận nơi sa trường, nói rằng ở cùng đồng đội quen rồi, nhưng thực ra, nơi cư ngụ mấy chục năm của ông chỉ là một nghĩa trang liệt sĩ…”.
Thôi, đã dẫn “Đặng tiên sinh” nghiên cứu về Nguyễn Hải Yến, thì viết gì nữa cũng… vô duyên. Chỉ thêm một nhận xét: Trong văn chương, so sánh, xếp hạng “hơn-thua” rất dễ khập khiễng, khó công bằng vì nó đa dạng như một vườn hoa xuân, nhưng nếu như trước đây dư luận đã coi Đỗ Chu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư… là “hiện tượng” văn chương một thời thì hoàn toàn có thể ghi tiếp Nguyễn Hải Yến vào “danh sách vàng” đó, mặc dù chị chưa làm giới truyền thông “dậy sóng” vì nhiều lẽ, trong đó có lẽ một phần do dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi. Dù vậy, “hiện tượng” Nguyễn Hải Yến cùng văn chương của chị như một làn gió mát lành làm dịu bớt bầu không khí nóng hực của cuộc chiến chống dịch suốt ngày đêm len lỏi vào từng căn nhà, góc phố gây tâm trạng bất an cho mỗi người…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.