Trong bài thơ phác họa về Huy Cận, tác giả Nguyên Hùng dùng tên nhiều tác phẩm của thi sĩ tài hoa này để viết: "Lửa thiêng soi vũ trụ ca/Người vui gọi đất nở hoa theo người/Trời mỗi ngày lại sáng tươi/Bài thơ cuộc đời chắp cánh ước mơ/Ngày hằng sống ngày hằng thơ/Ngôi nhà giữa nắng Cột cờ gió reo". Chấm phá đôi nét nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, ông cũng có nhiều câu thơ thú vị: "Hẹn hò mãi cuối cùng em cũng đến/Mùi cỏ cháy lẽ nào ngăn cản chân em/Xúc xắc mùa thu nhắc ai đừng lỗi hẹn/Vẫn còn xanh chiếc lá buổi đầu tiên".
Có những chân dung mà câu chuyện cuộc sống đời thực của nhân vật thật xót xa, như hoàn cảnh tác giả Khoảng trời - hố bom Lâm Thị Mỹ Dạ được Nguyên Hùng đưa vào thơ một cách rất chân thực, tài tình: "Thả mây cho gió… đâu ngờ/Thơ không năm tháng mà giờ đã quên/Bạn bè không nhớ nổi tên/Mẹ và con chung nỗi niềm xót cha". Lại có những "nét vẽ" chân dung tếu táo: "Viết báo dạo không đủ tiền cấy tóc/Rao bán thơ dư sức nuôi thơ" (Văn Công Hùng) hay "Thơ-văn-họa-dịch… đắm mình/Râu không buồn tỉa, ái tình biếng thăm/Trông trăng có thật trăng rằm/Để vòng nguyệt quế lặng thầm cô đơn" (Nguyễn Quang Thiều). Lại có khi chân dung lại được "lẩy" ra từ tên tuổi chính các nhà thơ "Nếu ngày ấy ở Yên Trung mẹ không sinh anh/Làng văn bây giờ thiếu một nét xuân ngày hội" (Ngô Xuân Hội) hay đầy lãng mạn, đáng yêu: "Đã xa cái tuổi trăng rằm/Đã xa có thuở hương thầm giêng hai/Xóm đề ngày ấy còn ai/Vẫn chưa bỏ trốn đêm dài ngây thơ" (Phan Thị Thanh Nhàn)…
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trịnh Bích Ngân: "Tập Ký họa thơ 81 chân dung văn học cho thấy rõ hơn một Nguyên Hùng có khả năng đặc biệt trong việc khắc họa chân dung nhiều văn nhân bằng cách "lắp ghép" tên tác phẩm của nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học cùng những hiểu biết thẩm thấu chuyện đời, chuyện nghề văn nhân. Bằng sự trân trọng, trách nhiệm, lòng ngưỡng mộ hòa quyện với cả những linh cảm, Nguyên Hùng đã chộp lấy được thần thái, hồn cốt nhân vật - chỉ lóe lên trong khoảnh khắc, để làm được điều mình muốn bằng câu chữ. Tôi tin rằng, những ký họa thơ của Nguyên Hùng không chỉ lưu vào bộ nhớ của đồng nghiệp, của thầy cô giáo dạy văn, học sinh và của những người yêu thích văn chương".
Dịp này, nhà thơ Nguyên Hùng (hội viên Hội Nhà văn VN) cũng cho ra mắt tập Trăm khúc hát một chữ duyên, giới thiệu 81 ca khúc sáng tác từ thơ của ông, trong số 110 bài thơ ông từng được các nhạc sĩ phổ nhạc.
Bình luận (0)