Trang phục là vấn đề được đề cập nhiều nhất trong các cuộc họp góp ý cho tượng Nguyễn Hữu Cảnh bằng đất sét, từng được chọn làm tượng mẫu và dự tính sau khi hoàn thiện sẽ đúc thành tượng đồng.
Theo sách sử, cụ Nguyễn Hữu Cảnh (1650 - 1700) là người rất giỏi võ, được triều đình cử vào nam bình Chiêm thành và Cao Miên. Khi vào đến Đông Nam bộ cụ mới thay đổi sứ mạng, trở thành nhà tổ chức quản lý xã hội, có công khai phá và đặt nền móng cho vùng đất Sài Gòn - Gia Định phát triển. Có lẽ chính hai vai trò khác nhau này của cụ trong hai giai đoạn khác nhau đã khiến các nhà làm tượng lúng túng, không biết nên thể hiện vai trò nào, giai đoạn nào nổi trội, hay là nên thể hiện cả hai.
Áo nửa văn nửa võ?
Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM, KTS Nguyễn Thanh Nhã, nhận xét sau khi xem bức tượng mẫu: “Không thể vừa quan văn, vừa quan võ với trang phục theo kiểu một bên áo quan văn, một bên áo quan võ như vậy được”. Ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, thẳng thắn: “Trang phục Nguyễn Hữu Cảnh cần thể hiện rõ văn là văn, võ là võ, không nên thể hiện như hiện tại, e rằng sẽ có ý kiến xuyên tạc cho rằng nhân vật không có sự rõ ràng. Về phần mũ đội của nhân vật cần nghiên cứu kỹ tước phẩm của cụ vào thời điểm đó để làm cho chính xác”.
|
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang nêu quan điểm: “Vào thời điểm cụ được cử vào nam, chúa Nguyễn vẫn tuân thủ những quy định của nhà Hậu Lê nên việc thể hiện hình tượng linh vật trên ngực áo phải theo những nguyên tắc của thời kỳ này. Thống nhất với ý kiến không để tượng mang gươm và việc thể hiện phần áo của tượng cần rõ ràng, không thể một bên văn, một bên võ như mẫu tượng phác thảo, vì như thế hai bên quần cũng phải thể hiện khác nhau, điều này là không hợp lý...”.
Phẩm phục nên theo quy chế thời nào?
|
|
Với yêu cầu xây dựng tượng trong tư thế ngồi đặt ở chính điện, ông Lương Chánh Tòng (Bảo tàng Lịch sử TP.HCM) hiến kế: “Nên xây dựng mẫu tượng theo bức vẽ chân dung Nguyễn Trãi mà mọi người vẫn thường thấy. Vì bức vẽ chân dung có tư thế ngồi chuẩn, ra đời ở thế kỷ 18, giai đoạn cùng thời điểm Nguyễn Hữu Cảnh mất nên thể thức trang phục đủ độ tin tưởng hơn. Tuy nhiên, vì Nguyễn Trãi là quan văn nên cần thay đổi phẩm phục quan võ cho bức tượng (theo chức vụ và phẩm hàm của Nguyễn Hữu Cảnh là phù hợp nhất trong điều kiện tư liệu hiện nay)”.
Vậy thì trang phục quan võ của Nguyễn Hữu Cảnh sẽ như thế nào? Ông Lương Chánh Tòng cho biết: “Theo ghi chép trong Đại Nam thực lục, trang phục của vị võ tướng Nguyễn Hữu Cảnh khi chỉ huy quân nơi trận mạc trước khi mất là mặc nhung phục, đứng trên đầu thuyền vung gươm vẫy cờ”. Cũng theo ông Tòng: “Các ghi chép trong chính sử triều Nguyễn cho thấy trước khi qua đời, chức vụ phẩm hàm của Nguyễn Hữu Cảnh cao nhất là Chưởng cơ (phong năm 1694) và khi mất ông vẫn là Chưởng cơ, thống suất, tương đương hàm Chánh Tam phẩm võ ban. Về hình dáng, kiểu thức phẩm phục của Nguyễn Hữu Cảnh khi ông giữ chức Chưởng cơ - hàm Chánh Tam phẩm, các nguồn sử liệu đều ghi chép khá thống nhất rằng: Trước 1744, tức là trước khi Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi vương thì toàn bộ phẩm phục của các quan lại văn võ đều theo thể lệ của Bắc Hà, tức trang phục đương thời của triều đình vua Lê - chúa Trịnh (Lê trung hưng)”.
PGS-TS Đặng Văn Thắng, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, cũng chia sẻ: “Qua các tài liệu khoa học mà chúng tôi nghiên cứu, đầu thế kỷ 18, đời chúa Trịnh Cương định lại quy chế phẩm phục vào năm Bảo Thái (1720) là hoàn thiện nhất. Tuy nhiên lúc này, Nguyễn Hữu Cảnh đã qua đời được 20 năm và chắc chắn phẩm phục của Nguyễn Hữu Cảnh là thuộc giai đoạn trước đó, không theo thể lệ về phẩm phục của sự đổi mới theo quy chế này. Như vậy là đương thời, phẩm phục của Nguyễn Hữu Cảnh thuộc loại hình dành cho quan Chánh Tam phẩm võ ban (Chưởng cơ) theo quy chế phẩm phục thời Lê - Trịnh”.
Bình luận (0)