Nguyễn Khải, nhà văn lớn

19/01/2008 23:21 GMT+7

Có người nói quê Nguyễn Khải ở phố Hàng Nâu, Nam Định. Có người lại nói anh sinh ra tại Hà Nội, cha đẻ của anh gốc Thanh Hóa. Nhưng anh không lấy quê cha, cũng không lấy Nam Định và Hà Nội làm quê quán. Trong lý lịch văn học của anh, anh ghi quê quán là Hưng Yên.

Hưng Yên chính là quê mẹ, mẹ anh là vợ lẽ của một ông quan tri huyện. Tôi không hỏi, và cũng không tiện hỏi hồi ấy có cưới xin hay không. Cha mẹ anh lấy nhau rồi sau đó, năm 1946, bỏ nhau. Mẹ anh bế đứa em trai mới đẻ lên Hà Nội ở nhờ bà ngoại. Còn cha anh và gia đình ông thì đi Nam.

Con đường dẫn anh vào văn chương có lẽ từ ngày đó, từ ngày anh có một thân phận riêng trong thân phận chung của dân tộc, có cái khổ riêng, cái buồn riêng, cái ao ước riêng, chả ai giống ai, có cách chịu đựng riêng, cách tồn tại riêng bằng hy vọng và hy sinh trong một thời mà những tiếng động long trời lở đất, tiếng động của thời thế, qua cuộc sống xã hội va đập vào lòng người từ sáng đến tối.

Anh lớn lên trong cái riêng đó, dù cái riêng đó, anh không được tự mình chọn lựa lúc oa oa chào đời.

Trong một truyện ngắn, anh khắc họa lại một nguyên mẫu, đó là ông thư ký già của một trạm máy kéo ở Đồng Tháp Mười, ông thư ký già ấy lom khom đi lại ngoài hè, có gọi ông mới dám vào. Mọi người cầm bát thì ông mới cầm, mọi người gắp thức ăn thì ông mới gắp theo, nhai nhỏ nhẻ, mắt nhìn xuống, tội nghiệp quá, như người ở đậu, sống nhờ, ăn nhờ, vui thì họ nuôi, không vui thì  họ đuổi.

Nguyễn Khải nhìn mãi ông thư ký già mà đoán định, đoán định thân phận một con người, qua thân phận của chính anh. Anh kể lại rằng: thuở mới lớn, mẹ con anh đã từng ăn nhờ, ở nhờ, nhìn người khác mà nói cười, tối ngày chỉ lo họ sẽ tìm cách đuổi mình đi. Cái mặt người luôn sợ bị người khác đuổi hết sức giống nhau, nhìn thoáng là biết vì nó tội nghiệp lắm. Anh nhìn ông già khốn khổ ngồi ăn, gắp dón dén mà nước mắt chỉ muốn ứa ra, trong miếng cơm như có vị nhạt của nước mắt năm nào.

Hồi lên chín, lên mười, anh về Hà Nội. Một buổi sáng, anh nhìn thấy một ông lão ngồi tựa lưng vào gốc cây bàng trước cửa nhà, đặt ngửa nón, trong nón có một nắm cơm và một búi rau muống luộc. Ông lão bẻ nắm cơm nhai rồi ngắt từng sợi rau cho thật ngắn, cuốn chặt lại chấm muối ăn tiếp. Nhưng ông không thể nuốt được, cổ ông cứ vươn dài, lắc qua trái, lắc qua phải như cổ ngan cổ ngỗng gì đó, như người mắc nghẹn.

Khi đói cồn cào trong nghèo khổ, hình thức ăn không còn là “hình thức người” nữa.

Ngoài bãi Phúc Xá mà gia đình anh ở sau ngày giải phóng Thủ đô có vợ chồng một đồng chí trung tá, đồng chí ấy bị xuất huyết não khi cơ quan đi sơ tán, nằm liệt nửa năm rồi mất. Thằng con trai sau khi bố chết, bỗng nhiên loạn trí, xé quần, xé áo, khóc cười hò hét từ sáng đến đêm, chị vợ tả tơi như nắm giẻ, cứ quay tròn quanh thằng con trai suốt năm, sáu năm.

Anh đã trò chuyện với chị ấy, và cũng đã kể cho tôi nghe về chị ấy, về nỗi khổ của người ở bãi Phúc Xá, lắm ruồi. Chị ấy nói với anh rằng: chị lo nhất là phải chết trước thằng con đã thành điên dại. Ai cho nó ăn lúc đói khát. Lúc chết, chết dờ, chết giập đâu đó, người ta lại bó chiếu vùi nông. 

Chị ấy khổ từ trẻ đến già, nhưng lúc nào cũng cười, buồn nẫu ruột mà nét mặt vẫn tươi. 

Nguyễn Khải gặp một tù nhân mới ngoài hai mươi tuổi, phạm tội giết bố bằng rìu. Ông bố nghiện rượu, chửi con rồi đuổi đánh. Đứa con chạy nhưng sợ bố trượt ngã nên đứng lại, tay vẫn cầm cái rìu bổ củi. Ông bố lao đến cầm gậy vụt, thằng con giơ rìu ra đỡ, bất ngờ ông bố trượt ngã va mạnh vào lưỡi rìu. Ông bố chết. Người con ôm lấy cái đầu đầy máu thét lên: “Mẹ ơi, con giết bố rồi!”. 

Chàng thanh niên tù nhân ấy có một gương mặt thật là đẹp, có cái nhìn sâu thẳm và u buồn.

Anh đã uống nước trà chén và nói chuyện với một bà lão, sáng nào cũng đi nhặt hoa đại trước phố Lý Nam Đế. Đến trưa, bà tãi hoa phơi ở đoạn đường Phan Đình Phùng cắt ngang đường Phùng Hưng. Bà già cần mẫn ấy có sáu người con, cả dâu lẫn rể, nhưng bà không chịu ở với ai, không cậy ai cả, lo liệu lấy một mình.

Trong câu chuyện với bà già, anh nghĩ đến mẹ, anh vẫn thường nhớ mẹ, người mẹ có nỗi đau riêng mà anh chưa bao giờ có thể hiểu đặng chiều sâu thẳm thẳm của nó, mẹ anh cùng một tuổi với bà già, Quý Mão. Và xa hơn, anh nhớ đến bà ngoại. Bà ngoại cũng không chịu ở với đứa con nào lâu  quá một năm. Rồi, bà ngoại bỗng chết, vật vã suốt một đêm mới “đi”.

Anh đau buồn, như mọi sự đau buồn có thật trên đời, khi về thăm lại Đằng Châu, quê hương người cấp dưỡng tên Khoa của trung đội thuở anh mới tòng quân. Hỏi Ủy ban, hỏi các cụ, chả ai biết ông Khoa là người nào. Anh thảng thốt: hỡi ôi, người thì mất rồi, mộ cũng không còn, tên cũng không còn, cái còn chỉ còn trong anh, là cách nghĩ buồn bã của anh về những con người làm những công việc nhỏ mọn, lặng lẽ, vô danh, bị đời lãng quên ngay chính trên quê hương mình.

Nguyễn Khải bộc bạch rằng: anh bước vào nghề văn chương gần như tay trắng, học vấn thì thấp, có thể nói dấn thân vào công việc thuộc về trí tuệ chỉ bằng sự đam mê.

Nhưng sự đam mê nào?

Nói cho cùng, chỉ có thể trở thành nhà văn khi nhà văn ấy từng trải một thân phận: - Đành rằng ai chẳng có một thân phận. - Nhưng thân phận nói ở đây là cay đắng, đớn đau, tủi hận, nghèo quẫn, gập ghềnh và khúc khuỷu, khao khát vươn tới cái phải sống, cái đáng sống, để có một thế giới tinh thần riêng biệt tự lập mà tồn tại, giữa cái đương thời ồn ã, náo nhiệt, quay cuồng, xô đẩy con người ngả nghiêng, lúc sang bên này, lúc sang bên kia, mà lại tìm được một cách tư duy riêng, một cách viết riêng, để được là chính mình, trân trọng mọi thứ chỉ thuộc về riêng mình. Chỉ con người “có thân phận” mới cảm ai được “thân phận của  con người”.

Cái riêng ấy làm cho anh rất yêu cái mẫu người riêng mà anh yêu, những gương mặt phong trần, khắc khổ, cái nhìn vừa quyết liệt vừa u ám, cái cười vừa thách thức vừa buồn bã vô kể. Những con người mà văn chương mãi mãi không thể đụng chạm đến các ngóc ngách sâu mút của con người.

Nguyễn Khải không thích những loại người, nhìn vào cái mặt của họ đã không thích rồi, nó tràn ngập sự hể hả, mãn nguyện, cười to, nói lớn, mắt long lanh, răng trắng nhởn như một con thú vừa được chén một bữa no nê thịt của đồng loại. 

Nguyễn Khải là nhà văn của những con người xã hội. Anh yêu những con người xã hội. Không có sự hư cấu nào bắt đầu từ trống không. Anh say mê viết về họ, những kiếp người khốn khổ, xiết bao cao cả ấy, dù cho bất hạnh dìm sâu họ vào những tuyệt vọng không hề có mầm mống báo trước. Bởi thế mà anh là nhà văn tài năng rực rỡ  của thế hệ, của Tổ quốc yêu  quí này!

Tôi đến thăm anh lần cuối ở tại nhà riêng của anh. Đời anh, 78 năm. Sống với mẹ, người mẹ đau thương và kỳ lạ của đời này mà có lẽ chỉ có cái chết mới làm bà yên tĩnh, được 16 năm. Sống ở Khu Ba 9 năm, sống ở Hà Nội trong quân ngũ 24 năm, rồi về TP.HCM 29 năm. Anh kể và đọc cho tôi nghe một số đoạn về cuốn sách: Sự hình thành một bút pháp.

Anh tự nhận mình là nhát gan, là sống nhạt.

Không, anh Khải ạ. Anh đã để lại những trang viết can đảm lạ lùng. Anh đã từng giày vò: phải sống như thế nào để được trung thực với chính mình, nhận ra những mảng sáng sẽ còn lấp lánh mãi trong cái bề bộn, viết được cuốn sách mà tầm nghĩ, tầm nhìn khiến bạn đọc ngày nay và mai sau phải sững sờ không chỉ vắt kiệt một đời văn mà còn phải vắt kiệt tinh hoa của một thời nữa. Anh đã làm được việc ấy, cùng với những áng văn tuyệt vời, anh đã để lại chân dung thật của một thời.  Anh đã ra đi mãi mãi. Thanh Thảo có câu thơ thời đại: “Nếu một ngày ta dựng những hàng bia/xin hãy đề/nơi đây là những cuộc đời chưa yên nghỉ”.

Anh từng băn khoăn, trước cái chết của bà ngoại, hồn hậu như biết bao bà ngoại, phải vật vã suốt một đêm mới “đi” được: mình có chết một cách tự nhiên, một cách nhẹ nhàng không nhỉ?

Khải ơi, làm người được sống và biết sống, làm nhà văn suốt một đời bận tâm với con người xã hội như Khải, làm sao có sự ra đi tự nhiên và nhẹ nhàng, cho dù trong nước mắt đêm thâu, trần thế đã khóc ròng: Nguyễn Khải ngời ngời xứng đáng với cõi người này, cõi văn này, Khải hãy an nhiên nơi vĩnh hằng.

Quả thế, vẫn còn đó, những người nghèo hèn, đầu tắt mặt tối, thường đi chậm, đứng trước thềm nhà họ trong những ngày giỗ trọng, những chiến sĩ Cồn Cỏ bám đài quan sát máy bay nơi Thái Văn A đứng mà Nguyễn Khải đã sống suốt tháng với họ trong vòng vây của tàu chiến Mỹ thời nào, đã cho anh hiểu rằng mọi thứ phồn hoa bám chặt lấy mình trong bấy nhiêu năm đều vô nghĩa trước quầng sáng gắt gao của bom đạn và những cái chết anh hùng. Những trang văn của anh, rực rỡ, ca ngợi cái này và xỉ mắng cái kia còn đó. Và Anh, lừng lững, còn đó với chúng tôi trong những xung đột thầm lặng và sóng gió. 

Nhưng làm sao Nguyễn Khải có thể đọc được những dòng viết của bạn bè về anh những ngày hôm nay khi anh đã trở thành người thiên cổ, dù có khẩn cầu ngọn lửa hóa từ cõi dương đặng gửi về cõi âm. Thế đó, đau đớn vật vờ trên trang giấy. Xót xa lắm thay!   Đêm 15.1.2008.

 Nguyễn Chí Trung

* Những dòng in nghiêng là ý văn của Nguyễn Khải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.