Trong chuyến nghỉ hè về thăm quê hương, nhà thiết kế thế hệ 8X Nguyễn Lâm Chí Thiện đã dành cho Thanh Niên những chia sẻ thú vị về nghề, về cuộc sống của một trưởng khoa người Việt tại trường thiết kế danh giá hàng đầu tại Mỹ SCAD (Savannah College of Art and Design).
Xin được mở đầu với câu hỏi có chút riêng tư, bạn sang Mỹ đi học, rồi đi làm… Để trụ lại và thành công trong môi trường làm việc đó, kinh nghiệm của bạn là gì?
Tôi học xong đại học và cao học ở Mỹ, khi được nhận ở lại làm việc thì công ty bảo lãnh visa lao động. Cho đến giờ, tôi vẫn là người ngoại quốc làm việc cho Mỹ. Do vậy, tôi luôn tự nhủ phải làm việc thế nào để công ty không thể thay thế được mình. Vì nếu có thể thay thế, công ty sẽ chọn công dân Mỹ để đỡ vướng thủ tục phiền hà, đỡ tốn kém các loại phí, tiền thuê luật sư, tiền bảo lãnh… Trong gần 10 năm làm việc tại Mỹ, từ vị trí nhân viên đến quản lý, tôi làm qua đủ việc, từ thiết kế, quan hệ khách hàng, truyền thông, định hướng công ty, và trở thành cánh tay đắc lực của ban giám đốc. Tôi tự nhủ phải luôn thử thách bản thân, vì khi tôi cảm thấy thoải mái với công việc cũng là lúc tôi ngưng học hỏi…
Đang thành công với công việc, lại là người Việt làm việc tại Mỹ, có lẽ rất hiếm người như bạn chọn chuyển hướng qua giảng dạy, vì sao?
Người Mỹ có câu: “Không làm được thì đi dạy” (Ones who can’t, teach). Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa từng hình dung sẽ có ngày mình đi dạy học. Đúng lúc tôi đang ở đỉnh cao trong nghề thiết kế thì nhận được lời mời từ trường SCAD. Ở Mỹ, SCAD là trường đào tạo thiết kế được ví ngang những trường đại học nổi tiếng như Harvard hay Yale. Tôi nhận được đề nghị về giảng dạy ngành thiết kế bảo tồn, nó lại quá mới lạ, với ngay ở Mỹ. Do vậy, tôi quyết định thử sức mình, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội. Ngày tôi lên gặp ban giám đốc công ty xin nghỉ việc để sang làm giáo dục, mọi người ngạc nhiên, không ai đồng ý để tôi đi, nhưng khi nghe giãi bày, họ hiểu ra và ủng hộ, đồng thời vẫn chừa chỗ để tôi có thể quay trở về bất kỳ lúc nào. Nhớ lại lúc đi làm, một đồng nghiệp đi trước có nói tôi rằng: “Muốn làm một quản lý thiết kế giỏi phải đi dạy vài năm, vì khi đi dạy, người thầy phải có kỹ năng giúp sinh viên định hình ngôn ngữ sáng tạo của riêng họ”.
Với bạn, khi đi làm, có kinh nghiệm trong tay hẳn là khó, đi dạy liệu có khó hơn lúc đi làm không?
Điều thú vị ở SCAD là 100% giảng viên đều là những người đã từng đi làm, không chuyên sư phạm từ ban đầu, đó là cách trường muốn truyền đạt cho sinh viên kinh nghiệm thực tiễn chứ không chỉ là lý thuyết suông. Tuy nhiên, khi đi dạy học, đúng dịch Covid-19 nên tôi chỉ có thể dạy trực tuyến. Do chưa bao giờ đứng trên lớp giảng bài, nên tôi coi đó là cơ may. Khi dạy qua màn hình, mọi người đều hiện diện trong một ô mặc định, đều như nhau, tạo cho tôi cảm giác bình đẳng. Chỉ có điều khi dạy sinh viên, tôi phải luôn tự nhủ đây là đi dạy, không phải đi làm, các bạn sinh viên đang như tờ giấy trắng, nên luôn phải phân tích cặn kẽ chuyện đúng - sai cho một vấn đề chứ không phải chuyện áp đặt cho xong việc, kịp thời hạn nộp bài.
Là người Việt, cũng là người trưởng khoa đầu tiên của ngành Thiết kế bảo tồn, vì sao SCAD lại chọn bạn?
SCAD thành lập cách đây gần 50 năm, với 6 khoa đầu tiên, trong đó có khoa Bảo tồn di sản, chuyên đào tạo việc trùng tu các di sản, di tích lịch sử. Tôi về SCAD năm 2020, trước đó khoảng 2 năm, trường bỏ yếu tố lịch sử - di sản, và thay thành khoa Thiết kế bảo tồn. Sau 2 năm ra đời khoa mới vẫn không có người dẫn dắt, vì đây cũng là tư tưởng mới trong xã hội Mỹ. Trong hoạt động nghề nghiệp, tôi thực hiện thiết kế nhiều công trình kiến trúc cổ, mang tính di sản như Congress Square ở Boston (có từ năm 1908), Union Trust Building ở Pennsylvania (1918), khu nghỉ dưỡng White Elephant Palm Beach (1920)… và đạt nhiều giải thưởng liên quan đến kiến trúc bảo tồn, kiến trúc di sản, nhưng lại có cách thể hiện khác, không theo bảo tồn bảo tàng. Có lẽ đó là lý do SCAD chọn tôi làm người tiên phong về giảng dạy một ngành học mới của trường.
Có nhiều khái niệm như thiết kế bền vững, thiết kế xanh, vậy thiết kế bảo tồn sẽ thế nào?
Trước tiên, thiết kế bảo tồn chính là hình thức thiết kế bền vững nhất. “Tòa nhà xanh nhất là tòa nhà đã tồn tại” (The greenest building is the building that already exists). Ở Mỹ, để làm bảo tồn, trước hết phải dựa theo hiến pháp và luật Bảo tồn di sản, ra đời từ 1966, và cho đến giờ mọi người làm bảo tồn vẫn theo hướng trùng tu chứ không thiết kế chuyển đổi công năng cho công trình. SCAD lập ra ngành này là một cách đón đầu xu thế tương lai, khi mà ngày càng nhiều công trình trở thành di sản, nhưng giữ lại nguyên bản thì không ổn, phải làm mới nó, và trường giao cho tôi cơ hội viết chương mới cho ngành này. Tôi cho rằng thiết kế bảo tồn một công trình di sản là phải làm sao để công trình khi hoàn thiện không phải điểm cuối cùng, mà chỉ là dấu ấn nhất thời. Sau một vài trăm năm, thế hệ sau muốn thay đổi thiết kế hay giữ nguyên trạng sẽ dễ dàng. Do vậy trong thiết kế bảo tồn, tôi khuyến khích dùng các vật liệu có thể dễ dàng tháo ráp, phù hợp từng giai đoạn, từng thời kỳ phát triển của xã hội.
Bảo tồn, khái niệm dễ liên tưởng đến những người lớn tuổi, thâm niên kinh nghiệm, bạn nghĩ gì về điều này?
Nhắc tới bảo tồn không ai nghĩ tới tôi, không ai có thể hình dung rằng một người trẻ có phong cách ăn mặc đầy màu sắc, khác người, và lại là người Việt… đi làm thiết kế bảo tồn. Tất cả những thứ không ngờ ấy tôi coi là điểm mạnh. Trường nhận tôi về cho thấy đó là tín hiệu có sự thay đổi, một thông điệp SCAD muốn nhấn mạnh rằng đây là một ngành tiềm năng, trẻ, cần tìm một nhân sự có bộ mặt khác và có cái nhìn riêng mang tính sáng tạo về ngành mới này, chứ không phải làm bảo tồn sẽ đeo kiếng, áo vest, thắt nơ…, những hình ảnh rất quy chuẩn của người làm bảo tồn ở Mỹ.
Bạn có thể chia sẻ rõ hơn về một dự án về thiết kế bảo tồn trong xu thế phát triển thì tương lai mà bạn từng tiếp cận hoặc tham gia giảng dạy?
Trường tôi dạy học có một chương trình gọi là SCADPro, các thương hiệu lớn của thế giới thường tìm đến và đặt hàng. Chẳng hạn hãng Uber đến trường và nêu thử thách tương lai của họ sẽ là xe bay, việc của chúng tôi là tạo lập đội ngũ hoàn thiện để trả lời câu hỏi đó. Chúng tôi quy tụ các nhóm kỹ thuật công nghiệp, thiết kế công nghiệp, lập trình app, làm nội thất, kiến trúc vì sẽ sử dụng vào các trạm dừng. Sau đó trình bày với Uber và hãng này sẽ chọn các bạn trong đội để tiếp tục phát triển giải pháp. Tôi đã dạy một số đồ án như vậy, khi tạo ra một đội hình, tôi muốn đem lại nhiều góc nhìn, tụ họp cả mỹ thuật, hội họa, biên kịch, vì khi sản phẩm hoàn thiện sẽ có đội ngũ biết làm truyền thông, quảng cáo, họ là người kể chuyện, đưa ra ý tưởng. Đó cũng là cách tôi dạy sinh viên kỹ năng làm việc theo nhóm, chuyên môn hóa. Giúp sinh viên tiếp cận nhiều hướng khi làm nghề, từ đó họ dễ dàng nhìn thấy cơ hội nghề nghiệp cho chính bản thân họ.
Từ những thiết kế rất đương đại, thời trang, tự do bay bổng với sáng tạo, nhưng đến lĩnh vực bảo tồn sẽ có nhiều hạn chế, để khắc phục hoặc vượt qua khái niệm bảo tồn, bạn nghĩ có là điều khó?
Lấy chính ví dụ từ trường tôi đang dạy, các chi nhánh của trường ở Mỹ và ngoài nước Mỹ có đến hơn 100 tòa nhà, đều là kiến trúc cổ, được tái sử dụng và thay đổi công năng. Khi nhìn vào nội thất trường, mọi người biết đó là kiến trúc cổ nhưng không cổ kính, nó được thiết kế với nhiều gam màu rực rỡ, tranh sáng tác được treo khắp nơi. Tôi từng có kinh nghiệm thiết kế ký túc xá cho sinh viên trường Harvard. Thường khi thiết kế không gian sống cho sinh viên, dễ gặp quan điểm là sợ sinh viên phá, nên cái gì cũng phải bao bọc kỹ lưỡng, chịu va đập, có thể chùi rửa dễ dàng. Nhưng khi vào SCAD, tôi thấy họ dùng các vật liệu rất mong manh, gối nhung, màn lụa, tranh bày trực tiếp chứ không ngăn cách bởi rào hay vài lớp kính bảo hộ. Tôi hỏi hiệu trưởng liệu có sợ sinh viên phá phách, và nhận được câu trả lời: “Chúng ta là trường dạy về nghệ thuật, bạn phải định hướng mỹ thuật cho sinh viên, đào tạo gu thẩm mỹ cho sinh viên, cho nên phải để họ được trải nghiệm những vật liệu tốt nhất, đẹp nhất, trong một không gian được trân trọng. Sinh viên khi thấy thế sẽ tự ý thức bản năng, còn nếu đưa ra một không gian mà sinh viên thấy quậy thoải mái không sợ hư hỏng, chắc chắn họ sẽ quậy”. Các công trình cổ ở trường nếu làm như bảo tàng thì chỉ để ngắm từ xa, nhưng khi cho sinh viên tương tác với vật liệu, thiết kế, tư duy sáng tạo của họ chắc chắn sẽ thực tiễn hơn. Đó cũng là lý do khiến tôi quyết định về đây giảng dạy.
Có điều nghịch lý là vấn đề bảo tồn thường chỉ dựa vào ngân sách, “bầu sữa” còn thì bảo tồn còn, nhưng ngân sách yếu coi như hỏng, thiết kế bảo tồn có tính đến chuyện đó?
Đây là vấn đề tồn tại ở nhiều nước trên thế giới, bảo tồn hiện nay đa phần dựa vào ngân sách, và chỉ đáp ứng một công năng là bảo tồn - bảo tàng, phục vụ du lịch là chủ yếu. Toàn chiến lược kinh tế chỉ dựa vào một ngành duy nhất, khi nó ốm, công trình chết. Covid-19 vừa qua là ví dụ điển hình bởi không có cách nào khác để tạo ra kinh phí, bổ trợ việc bảo trì. Do vậy khi làm thiết kế bảo tồn nghĩa là mở luôn các con đường cho công trình ấy, không lệ thuộc vào một kênh duy nhất, và quan trọng là các phương án đều phải hái ra tiền, bởi có tiền thì mới có chuyện tạo vòng lặp, bảo tồn được di sản.
Là người Việt, trưởng thành và phát triển nghề trong môi trường khắc nghiệt là Mỹ, quan điểm của bạn về giáo dục nghệ thuật?
Nhìn chung ở các nước Á Đông, phụ huynh vẫn muốn con mình trở thành người có “nghề” cụ thể, là bác sĩ, kỹ sư, kế toán… chứ nghệ thuật nói chung thì thực sự chưa cởi mở. Bỏ tiền đầu tư cho con cái đi học, với nghề cụ thể, có thể hình dung ngay ra kết quả sau quá trình đầu tư; còn nghệ thuật thì thật mơ hồ, chưa kể những người theo nghệ thuật đa phần là đều cá tính, phá cách, có cả dạng suốt ngày như đi… trên mây, do vậy việc đón nhận, chấp nhận, từ cách nghĩ, cũng còn là gì đó mới lạ chứ chưa phổ biến rộng rãi. Điều thu hút tôi ở SCAD chính là câu hiệu của trường: “Trường đại học của những nghề sáng tạo” (University for Creative Careers). Yếu tố “nghề” luôn được đưa lên hàng đầu, từ hỗ trợ tìm việc làm cho sinh viên ra trường cho đến đào tạo kỹ năng mềm như định hình phong cách và truyền đạt thông điệp, cả nghe và nhìn.
Kể chuyện (story telling) là chi tiết rất quan trọng của các ngành nghề hiện nay để phụ trợ cho truyền thông, phát triển sản phẩm, theo bạn, kể chuyện trong thiết kế bảo tồn có gì khác với thông thường?
Kể chuyện là cách đánh vào cảm xúc người tiêu dùng hiệu quả nhất. Trong một công trình mới, người thiết kế nhiều lúc phải hư cấu một câu chuyện. Ở thiết kế bảo tồn, câu chuyện đã có sẵn. Người thiết kế cần tìm hiểu, nghiên cứu tất cả các khía cạnh của dự án, từ lịch sử hình thành đến phong tục vùng miền. Bảo tồn không chỉ dừng lại ở tài sản hữu hình mà còn là những giá trị phi vật thể của công trình đó. Kể chuyện cho mục đích thiết kế còn cần yếu tố ứng dụng. Lấy ví dụ công trình tôi thực hiện là thiết kế văn phòng cho một công ty bảo hiểm, tôi chọn đề tài chủ đạo là nước, lấy nước làm câu chuyện. Công trình tọa lạc sát cảng biển. Đối với một công ty bảo hiểm, chủ đề nước còn hàm ý về sự giao thoa và phát triển, của con người và ý tưởng. Tổng công trình có 17 tầng, mỗi tầng là cách nước thể hiện như hơi nước, băng, sông, hồ, mây, gió… Nước là gốc rễ sự sống, nền văn minh từ sông nước kết nối mọi người với nhau. Từ nước nguồn mở ra nhiều câu chuyện khác, và ở công ty cũng vậy. Đó là cách kể chuyện triển khai, phát triển câu chuyện theo tính hợp lý, chuyện càng dày chứng tỏ người thiết kế càng am hiểu về công trình, khi trình bày bản thiết kế, việc được chủ đầu tư lựa chọn sẽ có xác suất cao.
Làm việc, giảng dạy ở Mỹ, mỗi dịp về lại Việt Nam hẳn bạn nhận thấy nhiều đổi thay, riêng ở lĩnh vực thiết kế bảo tồn, bạn có thấy tín hiệu gì từ Việt Nam?
Tôi từng nói với các bạn sinh viên, thị trường Đông Nam Á rất nhiều tiềm năng, tư duy con người, thẩm mỹ cũng phát triển, rất đáng mừng vì nhiều công trình cổ được nhìn nhận, trả lại nguyên bản. Gu hoài cổ thịnh hành, vì chạm cảm xúc. Tôi gặp nhiều dạng nhà tập thể cũ chuyển công năng thành quán cà phê, đó là hoài niệm, nhưng đa phần các công trình hiện hữu chỉ mang yếu tố cá thể. Khi nói về bảo tồn, tôi cũng đề cập cả về quy hoạch, thiết kế đô thị, nên ở một dự án, không thể chỉ nhìn riêng nó mà phải tính yếu tố liên quan với cả khu vực. Nếu ở cái nhìn tổng thể, thay vì phá đi để xây một tòa nhà cao tầng với giá trị hoàn vốn nhanh hơn, khi giữ lại kiến trúc với nhiều giá trị tinh thần ấy, nếu có thiết kế bảo tồn và chiến lược kinh tế vững, mọi công trình xung quanh đều tăng giá trị cùng lúc. Đó là chiến lược lớn hơn, không dễ thay đổi một sớm một chiều, vì tư tưởng nước phát triển, chuyển mình, đang xây dựng, chú trọng nhiều đến cá nhân hơn là tổng thể.