Sản phẩm cá tra xuất khẩu qua đường bộ đạt tới 47% tổng xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Trung Quốc nhưng giá trị chỉ đạt 23%.
Đáng chú ý chỉ có 9 cá nhân đại diện xuất hàng qua biên giới. Theo VASEP, việc xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch giữa hai nước có chung đường biên giới là điều tất yếu nhưng đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu đang xuất hiện một số các vấn đề đáng lo ngại; giá xuất khẩu sản phẩm chính ngạch và tiểu ngạch chênh lệch nhau tới hơn 1 USD/kg. Các cá nhân trong hoạt động xuất khẩu bằng đường bộ khác hoàn toàn với hoạt động xuất khẩu chính ngạch xuất phát từ các công ty có đăng ký kinh doanh rõ ràng. Điều này sẽ tạo ra những hệ lụy lớn trong tương lai.
“Để việc xuất khẩu cá tra ổn định và đạt kim ngạch dự kiến trên 1,8 tỉ USD, đồng thời tạo bàn đạp cho sự phát triển những năm tiếp theo, tránh những hậu quả như phụ thuộc thị trường, cạnh tranh không lành mạnh Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần xem xét và chỉ đạo thực hiện quản lý chất lượng theo chuẩn thông qua việc cấp và kiểm tra Chứng thư chất lượng trước khi xuất khẩu hàng đi Trung Quốc”, VASEP kiến nghị.
Cũng theo VASEP, bên cạnh đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có chương trình kiểm tra các cơ sở gia công, sơ chế cá tra hiện nay để bảo đảm chất lượng cá tra xuất khẩu. Nghiên cứu chiến lược phát triển dài hạn thị trường Trung Quốc và có các chương trình tiếp thị, truyền thông quảng bá sản phẩm cá tra vào thị trường rộng lớn này.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 3.2018 tiếp tục nóng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm. Giá cá tra nguyên liệu thiết lập mức đỉnh mới, trung bình dao động ở mức 28.000 - 30.000 đồng/kg, có nơi giá được đẩy lên đến 31.000 - 32.000 đồng/kg. Hiện giá cá tra giống đã tăng gấp 2 - 3 lần, dao động ở mức từ 70.000 - 80.000 đồng/kg tùy loại do nguồn cung khan hiếm.
|
Bình luận (0)