Theo lời cụ Hòe, luật sư (LS) Nguyễn Mạnh Tường là trí thức cao cấp. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945 và trong kháng chiến hai người có tiếp xúc với nhau, Nguyễn Mạnh Tường viết bài gửi đăng Tạp chí Thanh Nghị do Vũ Đình Hòe phụ trách, rồi họ gặp nhau ở các cuộc họp của MTTQ mà cả hai đều là ủy viên BCH.
“Đi theo kháng chiến cũng rất vất vả và ông Nguyễn Mạnh Tường làm được việc quý hóa đó là LS tích cực đi cãi cho người nghèo. Ở tòa án, các vụ hình sự thường có LS giúp đỡ. Cãi trước tòa án quân sự, thứ nhất là những vụ về chính trị, thứ hai là những vụ phá rối là điều bắt buộc. Người Pháp thì vẫn cứ muốn lôi kéo ông Nguyễn Mạnh Tường về thành. Kéo không được thì họ làm trở ngại công việc của ông”, cụ Vũ Đình Hòe nhớ lại.
Tôi nhờ cụ kể cho nghe về phiên tòa xét xử ông Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy tại Tòa án Quân sự mà LS Nguyễn Mạnh Tường là người bào chữa. Phong thái quắc thước, mái tóc bạc phơ rung rung theo, thần thái tinh anh, cụ Hòe hồi tưởng: “Ông Vĩnh Thụy được Chính phủ, được Cụ Hồ giao công tác tham gia đoàn đi sang Trung Quốc để gặp T.Ư Đảng Quốc dân Trung Hoa - Tưởng Giới Thạch. Lúc bấy giờ cách mạng Trung Quốc chưa thành công, hãy còn đánh nhau giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản. Mãi đến năm 1949, Đảng Cộng sản mới đánh thắng được Tưởng Giới Thạch. Trước đó, Tưởng Giới Thạch có cộng tác đánh Nhật với Đảng Cộng sản...
Tôi không được đọc báo cáo của ông Vĩnh Thụy, chỉ có nghe nói chuyện lại lõm bõm thôi. Nửa đường ông Vĩnh Thụy lợi dụng cơ hội tìm cách đi Hồng Kông, không về nước, từ đấy liên hệ với phái viên của Pháp. Dần dà ông ấy chịu để Pháp lôi kéo đi ngược với đường lối đánh Pháp của dân ta, Chính phủ ta và Cụ Hồ.
Việc đưa ông Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy ra xét xử trước tòa án, Chính phủ ta phải cân nhắc nhiều. Tôi lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Tư pháp nên cũng được họp trong phiên Chính phủ họp bàn về xử vụ ông Vĩnh Thụy đào nhiệm.
|
Mấy tháng sau, Tòa án Quân khu III được thành lập do ông Lê Văn Chất làm chánh án, ông Bùi Lâm làm công cáo ủy viên, một hội thẩm chính trị là đại biểu quân đội, một hội thẩm chuyên môn là ông Trần Đình Trúc - thẩm phán do Giám đốc Tư pháp Khu III phái sang.
Hai LS cùng bênh vực cho bị cáo Vĩnh Thụy là ông Đỗ Xuân Sảng và ông Nguyễn Mạnh Tường.
Bản cáo trạng buộc tội ông Vĩnh Thụy rất đanh thép. Sau khi đã thực thi đủ thủ tục pháp lý và bàn luận kỹ càng, Hội đồng xét xử đã ra phán quyết vắng mặt bị cáo: Tử hình đối với Nguyễn Vĩnh Thụy về tội phản quốc”.
Tôi hỏi cụ nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, liệu tư liệu về phiên tòa xét xử ông Vĩnh Thụy ngày nay có còn không. Cụ Hòe trả lời: “Có lẽ vẫn còn trong các trung tâm lưu trữ quốc gia của T.Ư Đảng. Xử xong, anh em có báo cáo lên Chính phủ và Bộ Tư pháp. Tôi chỉ biết đến thế thôi. Nội dung lời biện hộ của ông Nguyễn Mạnh Tường rất tiếc là tôi không được trực tiếp nghe và cũng không được đọc bản án. Chuyện xảy ra đã lâu, tôi chỉ còn cảm tưởng: Nói chung là ông Nguyễn Mạnh Tường đã làm đúng nhiệm vụ của người LS. Pháp luật của mình lúc ấy cũng chưa được hoàn chỉnh. LS Nguyễn Mạnh Tường đề nghị ghi vào bản án xử theo điều luật của nhiều nước trên thế giới là: Tử hình vắng mặt, khi nào bắt lại được can phạm thì sẽ mở lại phiên tòa chứ không được thi hành cái án đã tuyên trước đó. Tòa án cũng đồng ý. Vụ án ông Vĩnh Thụy được xét xử thận trọng, nghiêm minh, được dư luận dân chúng, nhất là anh em trí thức hoan nghênh, ủng hộ”.
Bình luận (0)