CÚ PHẢN XOÁY LÀM NÊN CHUYỆN
Ngoài thành tích cao tại SEA Games 1973, Vương Chính Học còn đoạt chức vô địch miền Nam Việt Nam 3 năm liền (từ 1972 – 1974) nên được xem là ứng cử viên nặng ký cho ngôi số 1 đơn nam khi dự giải toàn quốc 1978. Và thực tế trên bàn đấu, chính anh đã có những trận thắng thuyết phục trước một số thành viên đội tuyển miền Bắc để có mặt ở trận chung kết với Nguyễn Ngọc Phan. Thế nhưng, ở trận cuối cùng đầy mong chờ này, tay vợt số 1 miền Nam lại thất bại!
Đầu tháng 8.2020 – 42 năm sau trận chung kết “có nhiều thông tin ít người biết ” ấy – tôi và ông Nguyễn Ngọc Phan có dịp trò chuyện tại nhà ông ở đường Nguyễn Tri Phương, quận 10 (TP.HCM). Tay vợt vừa bước qua tuổi 74 mở đầu câu chuyện bằng việc đưa cho tôi xem danh thiếp của một Giáo sư tiến sĩ (sống ở nước ngoài, là học trò bóng bàn trước đây của anh Vương Chính Học) với câu hỏi của ông ấy về “trận đấu đó” thắng thua thì “có yếu tố chính trị” gì không.
Ông Phan khẳng định ngay, nếu đánh bình thường thì ông không thể thắng được anh Học đâu, bởi vì anh ấy ôm bàn đôi công rất tốt cả hai bên, lực đánh đầy sức mạnh do còn trẻ hơn ông nhiều. “Chẳng có áp đặt gì ở trận đấu này cả đâu, tất cả là do mặt vợt gai phản xoáy của tôi mà … nên chuyện”, ông thật lòng.
|
Ông Phan kể: “Khi tỷ số đang ở khoảng 10 đều ở ván đầu, tôi dùng mặt gai để cắt thì bất ngờ thấy anh Học đỡ bóng "ngổng" lên cao. Tự nghĩ, anh này tiếng tăm thế, chắc kỵ phản xoáy rồi. Thử thêm một quả giao bóng phản xoáy nữa thì "y như rằng!". Do luật bóng bàn lúc đó chưa bắt 2 mặt vợt phải có 2 màu khác nhau như bây giờ nên tôi liên tục xoay vợt và chủ động chỉ dùng một mặt gai phản xoáy để giao và cắt bóng”.
Với “phát hiện” quan trọng này, sau đó ông Phan hầu như hoàn toàn khống chế được lối đánh của Vương Chính Học và thắng dễ dàng để đăng quang giải toàn quốc đầu tiên khi đất nước được thống nhất sau tháng 5.1975. Ông Phan nói thêm: "Thật ra, do khán giả môn này ngồi rất gần bàn thi đấu nên họ dễ quan sát mọi chuyện, việc thiên vị của trọng tài muốn xảy ra cũng rất khó.Thêm nữa, một ván bóng bàn lúc đó đến điểm 21 mới kết thúc, không như bóng đá chỉ cần chênh lệch 1 bàn thắng đã phân định được thắng bại".
|
Ông Vương Ngọc Sơn (Trưởng bộ môn bóng bàn TP.HCM giai đoạn 2010 – 2016) là người chứng kiến trận Vương Chính Học thua Nguyễn Ngọc Phan năm 1978 nhớ lại: "Giải toàn quốc đầu tiên năm 1978 chỉ thi đấu hai nội dung đơn (có 79 VĐV nam và 29 VĐV nữ dự), trận chung kết đơn nam được người hâm mộ bóng bàn cả nước rất quan tâm nên cố gắng để theo dõi bằng nhiều cách khác nhau. Tôi may mắn được xem trực tiếp tại Quy Nhơn do lúc đó tôi là VĐV thi đấu cho đội TP.HCM nên có mặt để ủng hộ Vương Chính Học và đặt rất nhiều kỳ vọng vào đồng đội của mình. Đây đúng là trận đấu nảy lửa giữa hai lối đánh đại diện cho hai miền Nam – Bắc. Nguyễn Ngọc Phan chơi đôi công xa bàn bằng mặt vợt phản xoáy trong lúc Vương Chính Học ôm bàn tấn công dũng mãnh. Tuy nhiên chỉ sau vài đường bóng ở ván đầu, Nguyễn Ngọc Phan chuyển hẳn qua đánh một mặt vợt với mút phản xoáy nhưng có tài xoay vợt rất điêu luyện và điểm rơi biến hóa làm Vương Chính Học bất ngờ và đành chịu thua thuyết phục".
|
|
Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao Nguyễn Danh Thái, người dẫn dắt Nguyễn Ngọc Phan thi đấu khi đó thổ lộ: “Vương Chính Học là tay vợt phải-trái rất toàn diện, nên chúng tôi chỉ đạo anh Phan phải công thủ toàn diện và sử dụng mặt vợt phản xoáy xoay liên tục để làm rối loạn kỹ thuật của Vương Chính Học. Lúc ấy thì bóng bàn thế giới chưa phân biệt mặt vợt hai màu đen-đỏ, do đó anh Phan dùng một kiểu đánh nhưng xoay vợt nên đối thủ rất khó phán đoán. Thời ấy ở miền Nam chưa đụng kiểu phản xoáy bao giờ”.
Sau này, chính HLV đội TP.HCM Dương Văn Thông (Trưởng bộ môn bóng bàn TP.HCM đầu tiên ngay sau 1975) và ban huấn luyện cũng thừa nhận mình cũng có chủ quan khi giao mặt vợt phản xoáy cho VĐV Châu Hậu Ý để cùng tập với anh em nhưng chưa thật chú trọng đến kỹ thuật này nên khi bắt gặp trong thi đấu thì không thể khống chế được. Việc rút kinh nghiệm này đã có câu trả lời tốt hơn với chính việc Trần Tuấn Anh 10 lần chiếm ngôi đầu quốc gia sau đó. Đặc biệt chính Tuấn Anh đã thắng Nguyễn Ngọc Phan trong trận chung kết giải vô địch quốc gia năm 1980.
|
“XOAY VỢT” THÀNH TÀI
Nguyễn Ngọc Phan quê ở Hải Dương, ở tuổi 14 là vô địch thiếu niên miền Bắc và sau đó hai năm được chọn vào Trường Huấn luyện TDTT Trung ương (tiền thân của Đại học TDTT Hà Nội). Ông kể: “Nhà tôi khi đó nghèo lắm, chẳng có giày mang để tập. Mỗi lần đi tập bóng là nhét vội cái “vợt cao su” rồi chạy bộ đến gặp thầy Phúc. Tập không có nước uống, bóng chỉ một hai quả để đánh nhưng tôi “say” lắm. Bóng bị móp thì dùng nước sôi chữa, còn bóng bể thì cắt từng miếng nhỏ của những bóng hư "vá" bằng Acetone để đánh tạm một vài ván. Do bóng không chuẩn nên đường bóng hay bị “đề-phô” và… nhảy loạn xạ!”,
|
Khó khăn thế, nhưng tỉnh Hải Dương quê ông có rất đông người tập bóng bàn, lãnh đạo tỉnh luôn có nhiều chế độ đặc biệt cho hoạt động này nên cũng đóng góp nhiều tài năng cho quốc gia. Bên cạnh Vũ Mạnh Cường 3 lần vô địch SEA Games (đơn nam 1995 và 2001, đôi nam nữ năm 1997 cùng với Ngô Thu Thủy) và Nguyễn Đức Long vô địch toàn quốc năm 1987, còn có ông Phan. Gần đây có nhiều tay vợt trẻ nổi lên như Đoàn Bá Tuấn Anh (vô địch đơn nam toàn quốc 2019), Nguyễn Đức Tuân (vô địch đơn nam toàn quốc 2020)…
Từ khởi điểm thiếu thuận lợi, ông Phan luôn tích cực rèn luyện nên trở thành một tay vợt công thủ toàn diện, có chiến thuật luôn biến hóa, giao bóng tấn công tốt. Đặc biệt, màn xoay vợt nhuần nhuyễn được ông ưu tiên luyện tập ngay từ nhỏ ở Hải Dương để trở thành “độc chiêu” khi thi đấu. Ngoài các thành tích trong nước với danh hiệu tay vợt số 1 miền Bắc, ông còn vô địch đơn nam giải quốc tế Ấn Độ - Việt Nam, HCĐ đôi nam nữ (với Nguyễn Thị Mai) giải Á-Phi-La tại Lagos (Nigeria) năm 1975, hơn 30 lần tham dự các giải thế giới, châu Á và các giải quốc tế của gần 20 quốc gia, giao đấu với ĐKVĐ thế giới Ito (Nhật Bản).Thời điểm đó ngoài Nguyễn Ngọc Phan còn có các danh thủ: Hoàng Thế Vinh, Nguyễn Đình Phiên, Trần Văn Quỳnh… cũng thường xuyên được Nhà nước tạo điều kiện sang Trung Quốc tập huấn.
|
|
Ông Phan rất vui mỗi lần rời Hà Nội về thăm quê. Những lần đó, mọi người đều được loa đài địa phương báo tin: “Hôm nay có bác Phan về, mời bà con tối nay ghé hội trường xem biểu diễn bóng bàn”. Từ năm 1985 đến nay, ông và người bạn đời của mình (Kỹ sư điện Nguyễn Hồng Vân, cũng là tay vợt bóng bàn nổi tiếng Hà thành) vào sinh sống tại quận 10 (TP.HCM). Ông bà vẫn hay cầm vợt đến tập luyện tại CLB bóng bàn hưu trí của quận.
|
Bình luận (0)