Nguyễn Ngọc Tư miên man trong dâu bể phận người

20/01/2022 06:30 GMT+7

Chào năm mới Nhâm Dần 2022, khi nhân loại vừa trải qua một năm đầy biến động bởi đại dịch Covid-19 , nhà văn Nguyễn Ngọc Tư giới thiệu đến bạn đọc tập tản văn mới Hong tay khói lạnh do NXB Trẻ ấn hành, xoay quanh tâm thái và dâu bể thân phận con người trong bao khó khăn, mất mát bủa vây.

Sau nhiều tác phẩm đình đám, tạo dựng tên tuổi vững chãi như: Ngọn đèn không tắt, Cánh đồng bất tận, Đảo, Yêu người ngóng núi, Gió lẻ và những câu chuyện khác, Sông, Khói trời lộng lẫy, Gáy người thì lạnh, Hành lý hư vô, Giao thừa, Đong tấm lòng…, Nguyễn Ngọc Tư lại tiếp tục thể hiện sức viết bền bỉ và niềm đam mê văn chương không bao giờ cạn, để nhờ đó có một Nguyễn Ngọc Tư “nhận ra vẻ đẹp của những khoảng trống mê hồn, mình có thể ướm vào nó bằng nhiều thứ khác nhau. Tương tự như với khoảng mờ, nếp gấp, mình hay đoán coi đằng sau nó là gì, bao nhiêu thì vừa, có đáy không. Phải không, khi ấy đã có linh cảm khoảng trống là cánh cửa cho mình lách qua, bước vào một thế giới khác và kể lại với bất kỳ ai chịu dừng lại để nghe?”, như nhà văn từng bộc bạch.

NXB

Dù có thể mỗi cá nhân là một thực thể khác nhau nhưng mọi thứ cuối cùng đều kết nối. Nỗi cô độc trong tinh thần được thể hiện trong các câu chuyện ở Hong tay khói lạnh, một lần nữa, lại cho thấy tài năng, sức tưởng tượng, sự nhạy cảm và đồng cảm hiếm có của Nguyễn Ngọc Tư trước tâm trạng chung của con người giữa những biến động lớn của đời sống: “Con tàu xa hoa khiến người ta chếnh choáng. Nhiều kẻ đã quên ngoái lại nhìn đất quê”; "Nếu thế giới ngoài kia tình cờ cùng nhau im vắng, nếu mình mệt quá cứ kệ đi không thiết kháng cự gì nữa, có phải bạn chẳng bao giờ thức dậy nữa không?"; "Mình phải dậy. Mình phải dậy. Đâu thể ngủ hoài. Chỉ người chết mới ngủ mãi. Ai đó phải lay mình chứ”.

Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn có cách thể hiện văn chương khá lạ với nhiều câu chuyện đồng bằng không lẫn vào đâu được, đặc biệt trong Hong tay khói lạnh chị viết: “Và ai gieo cơn ngây ngất vào người miền sông khi gió chướng bắt đầu le lói, báo hiệu cả một vùng đồng bằng rộng lớn sắp trở thành lãnh thổ của nó, một khi đã đủ mạnh thổi dạt gió Nam đi. Cuộc giành ngọn năm nào cũng đánh thức nhiều đứa trẻ quê giữa khuya, tỉnh giấc chúng đã không còn thấy mái nhà của mình, và mưa thì từng nắm ném lên nóc mùng. Những tấm tôn đã bị giông giật ném ra vườn. Nhìn rõ là tai ương, nhưng người châu thổ vẫn không thể căm ghét gió chướng đầu mùa, vẫn tê mê khi nó quay lại. Như thể từng tế bào trong họ ly khai, tự chúng hân hoan với cơn gió được lưu giữ trong hồi ức. Có người không thiết làm gì, không tập trung vào đâu được, đứng ngồi thất lạc. Có người lại muốn văng mình ra đường, đi đâu cũng được, miễn là đi, “gió này mà ở nhà thà chết còn sướng hơn”. Ai biết được ngọn gió phóng túng đã làm chi con người này” (Đồ chơi của thời tiết).

Và nhờ những trang viết dạt dào cảm xúc như vậy nên chị nhận được rất nhiều sự yêu mến của đông đảo bạn đọc, cùng nhiều giải thưởng có giá trị trong và ngoài nước. Gần đây nhất là giải thưởng LiBeraturpreis của Đức, do Hội Văn hóa Litprom thành lập, với sự hỗ trợ của Hội sách Frankfurt, Nguyễn Ngọc Tư thắng giải (3.000 euro) với tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận (ấn bản tiếng Đức tên là Endlose Felder, Günter Giesenfeld và Marianne Ngo dịch). Giải thưởng ghi thêm dấu ấn cho Cánh đồng bất tận từng gây xôn xao văn đàn thời gian dài, khi đạt được số lượng trên 150.000 bản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.