Nguyên nhân chậm giải quyết các dự án 'treo' 3 năm tại TP.HCM

03/06/2022 10:48 GMT+7

Những nguyên nhân chậm giải quyết các dự án "treo" đã 3 năm được Sở TN-MT TP.HCM nêu ra như công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên...

Tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 chiều qua (2.6), ông Võ Công Lực, Trưởng phòng Quản lý đất, Sở TN-MT TP.HCM, cho biết năm 2021, TP.HCM có trên 2.900 dự án được phê duyệt đưa vào kế hoạch sử dụng đất.

Trong đó, có 1.502 dự án đã thực hiện, 872 dự án đang thực hiện và 616 dự án chưa thực hiện.

UBND TP.HCM đã xử lý 169/616 dự án chưa thực hiện. Cụ thể có 108 dự án hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất theo văn bản 4289 ngày 6.12.2020 của UBND TP.HCM (không thuộc trường hợp có nghị quyết của HĐND TP.HCM thông qua thu hồi đất), 61 dự án thuộc trường hợp phải trình HĐND TP.HCM hủy bỏ và được chấp thuận.

Về nguyên nhân giải quyết chậm các dự án "treo" 3 năm, ông Võ Công Lực cho hay phần lớn là dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, giao thông. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.

Một số dự án lớn, thực hiện trên nhiều địa bàn quận, huyện, đòi hỏi có sự phối hợp giữa các địa phương; một số dự án khác liên quan đến kế hoạch sử dụng nhà đất, phải xin ý kiến nhiều bên.

Cạnh đó, một số dự án lớn có quy trình thực hiện thủ tục để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trải qua nhiều bước...

Đại diện Sở TN-MT TP.HCM cho hay thời gian tới sẽ tổ chức rà soát lại các dự án đăng ký đất 3 năm mà không thực hiện đúng kế hoạch để báo cáo UBND TP.HCM.

Đồng thời, đề nghị lãnh đạo đơn vị các ngành, các quận, huyện, hằng năm xây dựng kế hoạch sử dụng đất cần xác định nguồn vốn để thực hiện trong xây dựng quỹ đất. Bởi đây là giải pháp quan trọng, tiền đề để giải quyết các khó khăn tiếp theo.

Qua đó, Sở TN-MT TP.HCM đề nghị các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các sở ngành để đăng ký kế hoạch vốn hằng năm nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng của các dự án, công trình.

Sau khi kế hoạch sử dụng đất hằng năm được phê duyệt, các ngành tiến hành công bố, công khai rộng rãi đến các cá nhân, tổ chức để liên hệ với Sở TN-MT để thực hiện hướng dẫn các thủ tục thu hồi đất dự án theo đúng pháp luật.

Mặt khác, ông Võ Công Lực cũng cho biết, hầu hết các công trình xây dựng phúc lợi công cộng đều trông chờ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, nhu cầu phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để đáp ứng yêu cầu phát triển của TP.HCM là rất lớn.

Do đó, TP.HCM cần tập trung khai thác quỹ đất để tạo ra nguồn vốn. Sở TN-MT cũng đang có đề án nghiên cứu và đang xin ý kiến với các khu đất "treo" lâu, sẽ thống kê thu hồi, bán đấu giá theo quy định pháp luật.

Sở TN-MT TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị khi lên kế hoạch sử dụng đất, cần bảo đảm nhà tái định cư trước khi thu hồi đất, đảm bảo chi trả kịp thời, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.