Nguyên nhân khiến dự án ngăn triều 10.000 tỉ ì ạch

02/11/2024 06:21 GMT+7

Đã từng được kỳ vọng sẽ giải quyết hiệu quả tình trạng ngập lụt tại TP.HCM, thế nhưng dự án ngăn triều 10.000 tỉ cũng là một trong những dự án mà Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gọi tên khi yêu cầu rà soát, xử lý các dự án dang dở, kéo dài, gây lãng phí nguồn lực nhà nước, xã hội. Vì đâu nên nỗi?

Nguyên nhân khiến dự án ngăn triều 10.000 tỉ ì ạch- Ảnh 1.

Dự án chống ngập 10.000 tỉ dang dở gây lãng phí nguồn lực nhà nước và xã hội

ẢNH: T.N

Nghị quyết, cơ chế riêng đều đã "hết phép"

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Sở KH-ĐT TP.HCM đã lập tức có báo cáo về khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án (DA) chống ngập 10.000 tỉ, trong đó chỉ rõ từng mục, nêu rõ từng vướng mắc trên đúng tinh thần "nhìn từng cái mà gỡ".

Theo Sở KH-ĐT, hiện nay khó khăn lớn nhất đối với TP là không bố trí được nguồn vốn để nhà đầu tư có thể thi công hoàn thành công trình. Vướng mắc này xuất phát từ việc Ngân hàng BIDV không ký Phụ lục hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 để trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn. Mặt khác, do NHNN đã tiến hành thu nợ tái cấp vốn đối với BIDV khoảng 3.560 tỉ đồng nên trường hợp được đơn vị này gia hạn thời gian giải ngân khoản vay tái cấp vốn, BIDV vẫn không thể tiếp tục giải ngân cho nhà đầu tư vì dự án chưa được thanh toán.

Hồi tháng 6, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết chấp thuận cho TP thực hiện phương án ủy thác từ Công ty HFIC cho nhà đầu tư vay thực hiện hoàn thành công trình. Tuy nhiên sau đó, đại diện Bộ Tài chính đánh giá phương án trên chưa phù hợp với luật Ngân sách năm 2015 vì không có quy định về việc sử dụng vốn ngân sách địa phương ủy thác cho quỹ đầu tư phát triển địa phương để cho nhà đầu tư vay. Đồng thời, Tổ công tác Chính phủ cũng thống nhất không có căn cứ pháp lý để tiếp tục ban hành một nghị quyết mới nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện nay của dự án như đề nghị của UBND TP. Do đó, phương án huy động nguồn vốn ủy thác để nhà đầu tư tiếp tục thi công, hoàn thành công trình không có cơ sở thực hiện.

Nguyên nhân khiến dự án ngăn triều 10.000 tỉ ì ạch- Ảnh 2.

Mỗi ngày, công trình phải gánh thêm lãi vay phát sinh 1,73 tỉ đồng

ẢNH: T.N

Trong bối cảnh đó, TP cho biết sẽ rà soát, điều chỉnh các điều khoản thanh toán của Hợp đồng thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư bằng các quỹ đất, tạo nguồn vốn cho việc tiếp tục thi công. Mặc dù vậy, theo các quy định hiện hành, Chính phủ chỉ cho phép thanh toán chuyển tiếp cho các hợp đồng BT được ký kết theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng. Nhưng với Hợp đồng DA, Nghị quyết số 40 của Chính phủ đã xác định còn tồn tại các thiếu sót như chưa có quyết định chủ trương sử dụng vốn nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư dự án; phương án thanh toán cho nhà đầu tư chưa có đủ cơ sở thực hiện.

Để khắc phục thiếu sót liên quan đến phương án thanh toán cho nhà đầu tư, UBND TP nhận thấy cần phải điều chỉnh phương án thanh toán của Hợp đồng BT đã ký kết theo hướng thanh toán bằng quỹ đất trước cho nhà đầu tư tương ứng với phần giá trị dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định, phần chênh lệch sẽ được thanh toán bằng tiền để đảm bảo phù hợp với quy định tại thời điểm ký kết hợp đồng. Thế nhưng, việc điều chỉnh dự án vẫn gặp các vướng mắc về pháp lý như: Hợp đồng ký kết không đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết, nay khắc phục bằng cách ký kết đúng quy định thì hợp đồng BT có được thanh toán hay không? Chưa xác định được cơ quan có thẩm quyền nào sẽ xác định hợp đồng đã ký đúng quy định và việc xác định hợp đồng ký kết đúng quy định dựa trên các tiêu chí nào; Việc điều chỉnh dự án, hợp đồng áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật nào?

"Nhìn chung, các vướng mắc liên quan đến quy định của luật, một số nội dung không được thể hiện trong các quy định của luật, nên vượt thẩm quyền của Chính phủ. TP sẽ phân tích và báo cáo cụ thể trong quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án. Liên quan đến các vướng mắc cụ thể này, TP sẽ báo cáo xin ý kiến của các bộ ngành để có được phương án thực hiện khả thi và có tính pháp lý cao nhất", lãnh đạo Sở KH-ĐT thông tin.

Dân khổ sở chuyện cứ mưa là ngập, thêm sốt ruột dự án hàng ngàn tỉ vẫn ì ạch

Rủi ro phát sinh lãi vay hàng ngàn tỉ

Trong khi các phương án gỡ vướng vẫn vướng thì phía chủ đầu tư đang phải từng ngày oằn lưng gánh nợ vì phần chi phí phát sinh. Chưa nói đến những thiệt hại về hiệu quả kinh doanh, tài chính, uy tín, nguồn nhân lực và trang thiết bị khi dự án kéo dài gần 10 năm qua, phía doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay phát sinh mỗi ngày 1,73 tỉ đồng. Trong văn bản mới nhất gửi UBND TP.HCM, Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 khẳng định dự án kéo dài do những vướng mắc mà nhà đầu tư không thể giải quyết được và cũng không thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư nên những phát sinh này phải được ghi nhận vào dự án bằng cách điều chỉnh giá trị tổng mức đầu tư. Phía Trung Nam nhận định việc này kéo dài càng lâu sẽ càng gây lãng phí đối với ngân sách nhà nước của TP và bản thân nhà đầu tư cũng không thể xác định được chính xác mức độ chi phí của DA.

"Nếu ngay từ bây giờ không thực hiện song song các thủ tục thuộc thẩm quyền của TP để hoàn thành nốt 7% DA còn lại thì sau khi khơi thông nguồn vốn sẽ cần tổng thời gian là 28 tháng (bao gồm dự kiến 12 tháng làm thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư, 4 tháng đàm phán Phụ lục Hợp đồng BT, 12 tháng thi công công trình). Việc kéo dài thêm 16 tháng thủ tục thực hiện này tương ứng tiền lãi vay phát sinh khoảng 845 tỉ đồng. Chưa kể DA kéo dài quá lâu như hiện nay làm chậm phát huy mục tiêu của công trình cũng như gây ảnh hưởng rất xấu về dư luận tạo hiệu ứng phản cảm cho người dân TP", văn bản của chủ đầu tư nêu rõ.

Về phía người dân TP.HCM, vấn đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay là hiệu quả công trình. DA chống ngập 10.000 tỉ thuộc Quy hoạch 1547, nhiệm vụ chính là ngăn triều, hỗ trợ tiêu thoát nước. Nếu trước đây thủy triều đạt mức 1,5 đến trên 1,7 m, TP sẽ ngập thì sau khi dự án đi vào hoạt động, có thể ngăn triều lên tới mức 3 m. Trong bối cảnh triều cường liên tục đạt đỉnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân nhiều quận huyện, các chuyên gia đề xuất trước mắt, DA đã đạt 93% về mặt kỹ thuật, các cơ quan chuyên môn của TP cần nghiên cứu tỷ lệ này đã đủ để đưa công trình vào vận hành ngay, giải quyết vấn đề bức thiết của TP về ngập lụt, về môi trường được không? Trong trường hợp này, nếu các hạng mục của DA có thể khai thác được thì nên tính phương án đưa vào vận hành trước để "cứu" người dân khỏi ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, tính hiệu quả của DA trong bối cảnh triều cường ngày càng dâng cao, công trình đã chậm trễ quá lâu, cần được xem xét và công khai minh bạch cho người dân được biết.

Dự án áp dụng nhiều văn bản pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu theo nguyên tắc áp dụng pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng như luật PPP và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP thì sẽ phải áp dụng nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực pháp luật. Nếu theo nguyên tắc hành vi thời điểm nào áp dụng pháp luật tại thời điểm đó tại Điều 156 luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không phù hợp với Điều 101 luật PPP. Trường hợp kết hợp cả luật PPP và pháp luật hiện hành thì sẽ áp dụng cả văn bản đã hết hiệu lực và văn bản hiện hành.

Sở KH-ĐT TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.