Ở VN, hầu hết lượng muối ăn vào hằng ngày là từ muối, gia vị thêm vào trong khi chế biến, nấu ăn, hoặc do chấm, trộn mắm, muối, gia vị trên bàn ăn.
Ăn nhiều muối là nguyên nhân quan trọng gia tăng tỷ lệ tăng huyết áp và các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch.
Tại VN, cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp; cứ trong 3 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp do các bệnh tim mạch, chủ yếu là tử vong do tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim.
THIẾU RAU, THỪA MUỐI
Theo Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2021 do Bộ Y tế thực hiện, khoảng 59% dân số ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị mỗi người cần ăn ít nhất 400 gr mỗi ngày. Tỷ lệ dân số luôn luôn hoặc thường xuyên thêm muối, mắm, gia vị mặn vào thức ăn khi nấu ăn hoặc trong khi ăn là 78,2%. Có 8,7% số người luôn luôn hoặc thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có hàm lượng muối cao.
Theo Cục Y tế dự phòng, các điều tra trong nước cũng cho thấy: 89,2% người nấu ăn luôn cho muối, mắm, gia vị mặn khác vào thực phẩm khi chuẩn bị, chế biến và nấu ăn; 70% thường xuyên trộn, chấm mắm, muối, bột ngọt, nước tương, mì chính và các gia vị có muối khác với thức ăn trong khi ăn (muối trên bàn ăn); 19,5% thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối như dưa, cà muối, mì ăn liền, bim bim, lạc rang muối, hạt điều mặn, dưa chuột muối, thịt muối và các loại thịt chế biến khác (xúc xích, dăm bông, thịt xông khói, giò, chả...). Mặc dù vậy, chỉ 16% số người được hỏi cho rằng "bản thân có ăn mặn".
NHIỀU TÁC HẠI DO THỪA naTRI
Theo chuyên gia của Cục Y tế dự phòng, muối (natri) rất cần thiết đối với cơ thể người nhưng ăn thừa natri gây tác hại cho sức khỏe. Tiêu thụ thừa natri là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ (như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim), làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và những rối loạn sức khỏe khác. Các nghiên cứu cho thấy xu hướng tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, bao gói sẵn của người dân VN ngày càng tăng cao, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên.
Trước thực tế trên, Cục Y tế dự phòng đã đưa ra các khuyến cáo hàm lượng natri tối đa trong 100 gr thực phẩm. Đây là điều hết sức cần thiết nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhà sản xuất áp dụng các biện pháp giảm natri trong công thức chế biến, thay thế natri bằng gia vị khác trong thực phẩm góp phần cung cấp cho cộng đồng sản phẩm thực phẩm ít natri hơn.
Cục Y tế dự phòng cũng đã có khuyến nghị cụ thể về hàm lượng muối với 11 nhóm thực phẩm để các nhà sản xuất áp dụng; đồng thời đề nghị người tiêu dùng có thói quen đọc nhãn sản phẩm, nắm các chỉ số về natri, chất béo… để chế biến và sử dụng sản phẩm tốt nhất cho sức khỏe.
Cách ước tính 5 gr muối
Mỗi người hãy giảm một nửa lượng muối ăn hằng ngày để phòng chống tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác.
Để giảm ăn muối, hãy giảm dần lượng muối và gia vị cho vào khi chế biến thức ăn; hạn chế sử dụng và hạn chế lượng muối, gia vị, nước chấm đặt trên bàn ăn trong khi ăn; hạn chế lựa chọn, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp có nhiều muối và tăng cường ăn thực phẩm tự nhiên.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5 gr muối/ngày, tương đương 1 thìa cà phê đầy muối. 5 gr muối cũng tương đương 8 gr bột canh (bằng 1,5 thìa cà phê đầy); 11 gr hạt nêm (bằng 2 thìa cà phê đầy); 25 gr nước mắm (bằng 2,5 thìa ăn cơm); 35 gr xì dầu (bằng 3,5 thìa ăn cơm); lượng gia vị mặn trong 1 gói mì ăn liền.
Bình luận (0)